Vị tướng huyền thoại với nỗi lòng bảo vệ môi trường

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng nỗi đau hậu chiến vẫn còn hiện hữu trong nhiều mảnh đời, trong từng tấc đất. Bom mìn còn xót trong lòng đất mẹ phải đến cả trăm năm sau  con người và công nghệ mới tháo gỡ hết, di chứng chất độc dioxin còn đeo bám nhiều thế hệ nạn nhân… Bệnh lạ ở Quảng Nam liệu có chút gì là di hoạ chiến tranh còn để lại? Tất cả là nỗi niềm đau đáu trong lòng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người nặng lòng với công tác bảo vệ môi trường, mong tìm ra một phương án tối ưu gắn “Quân đội với chiến lược  bảo vệ môi trường”.

Cảm nhận “nỗi đau”…tình cây và đất

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ra nơi vùng biển đón nhiều gió bão Hải Hậu- Nam Định. Ông đã chứng kiến sức tàn phá của thiên nhiên từ khi còn nhỏ. Thời trai trẻ, tướng Hiệu gắn bó với chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Những năm tháng chiến đấu ở vùng đất ấy, tướng Hiệu không chỉ cảm nhận từng ngày sự khốc liệt của chiến tranh qua những mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng bào. Ông coi mảnh đất và con người Quảng Trị là “nghĩa nặng tình sâu”, một quê hương thứ hai. Trong sâu thẳm ông luôn mong muốn được làm nhiều việc hơn nữa vun đắp cho đất này thêm xanh tươi, xao dịu nỗi đau hậu chiến nơi này.

Một chút trầm ngâm, giọng vị tướng vốn hào sảng trùng lại: “Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng hàng triệu tấn bom đạn, hàng nghìn tấn chất độc CS, bom đạn hóa học, hàng chục triệu lít chất độc da cam…, gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, sinh thái và con người. Các chất thải quân sự trong chiến tranh tại các căn cứ cũ của quân đội Mỹ và đồng minh đến nay vẫn đang là các nguồn gây ô nhiễm nguy hại. Đặc biệt, tại các kho bãi, bến cảng, sân bay được quân đội Mỹ sử dụng trong các chiến dịch phun rải và vận chuyển, tập kết chất độc da cam, hiện vẫn là các “điểm nóng” như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, Biên Hòa… ô nhiễm chất độc hóa học – đi-ô-xin, mà tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép (theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) đối với đất phi nông nghiệp gấp hàng vài trăm lần…Nó là hậu quả nặng nề cho đến nay chúng ta vẫn đang tìm cách khắc phục”. Do vậy chính phủ đã có chương trình khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ.

Trong ký ước của những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tướng Hiệu hành quân qua những khu rừng trơ trụi lá, khiến ông hiểu ra rằng, chất độc dioxin mà kẻ thù đã gieo rắc trong chiến tranh sẽ hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống. Nó biến nhiều vùng đất màu mỡ, tươi tốt thành những vùng đất chết… Ngay từ những tháng ngày mưa bom, bão đạn ấy, ông đã nhận thức sâu sắc về “nỗi đau” của môi trường và nuôi tâm nguyện, phải làm gì đó để cải tạo môi trường sống cho người dân. Ý thức “chiến đấu” để bảo vệ môi trường của ông vẫn được hun đúc tiếp tục trong thời bình.

Ông chia sẻ: “Hòa bình lập lại, đất nước tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động bảo vệ môi trường của quốc gia nói chung, quân đội nói riêng, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều thách thức nặng nề; thể hiện ở hoạt động môi trường quân sự thiếu quy hoạch tổng thể, nhiều vấn đề môi trường bức xúc ở các đơn vị vẫn chưa có khả năng giải quyết cơ bản theo hướng phát triển bền vững”. Tướng Hiệu cho rằng, việc lồng ghép ưu tiên giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị với việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các quy định bảo vệ môi trường khác của Nhà nước còn nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất quốc phòng còn lạc hậu, nguồn lực bảo vệ môi trường yếu kém, hệ thống quản lý chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác bảo vệ môi trường vẫn chưa thực sự được coi trọng đúng mức; trình độ nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ nhìn chung còn hạn chế, chưa ngang tầm. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác liên ngành, liên khu vực đến các vấn đề môi trường ngày càng lớn và phức tạp… Những ám ảnh về sự sống của con người đang bị hủy hoại khiến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn nung nấu trong mình một tâm nguyện, phải hành động để cứu môi trường sống.  Vậy là, bước ra khỏi cuộc chiến tranh với kẻ thù, ông lại tiếp tục dấn thân vào “cuộc chiến” để bảo vệ môi trường.

Thắp lên những mầm xanh hy vọng

Khi còn ở cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban phối hợp Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, tướng Hiệu đã định hướng một trong những nội dung công tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Liên bang Nga là về lĩnh vực môi trường, giải quyết vấn đề nhiễm chất độc dioxin như ở sân bay Đà Nẵng, Phù Cát. Bên cạnh đó, chứng kiến những người dân, những trẻ em ở Quảng Trị ngay trong thời bình vẫn bị cướp đi mạng sống và bị thương tật vì những quả bom, mìn vẫn còn rải rác trên những mảnh đất là chiến trường xưa, ông đã tích cực kêu gọi các nước, các tổ chức xã hội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát phá hủy bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Dù ở bất cứ cương vị nào, trong ông luôn tâm niệm, bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội, tăng hiệu quả hoạt động quân sự của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững; do đó, cần phải được chỉ đạo chặt chẽ, lồng ghép trong quy hoạch chiến lược, chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư nói chung và dự án bảo vệ môi trường nói riêng, cũng như trong mọi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Mối quan hệ này cần được các cấp lãnh đạo, chỉ huy quan tâm giải quyết đồng bộ ở mọi nơi, mọi lúc.

Trong quá trình hoạt động bảo vệ môi trường, phải quán triệt phương châm phòng ngừa là chính. Đối với các biện pháp tiến hành nhằm giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, v.v, cần kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống, đi đôi với các biện pháp quản lý hành chính. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm…

Đặc biệt, chứng kiến sự tàn phá của chất độc dioxin ở những vùng đất chiến trường xưa, tướng Hiệu lại quyết tâm góp sức “làm xanh” những vùng đất chết. Từ ý tưởng đó, ông đã “bắt tay” vào sự nghiệp “xanh hóa” những mảnh đất từng là chiến trường xưa. Ông kể, trong lần trở lại thăm thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh vào năm 1998, ông cứ mãi miết đi tìm một cây đa mà ông gọi là “cây đa huyền thoại” ở trên một gò đất mà ngày ấy là chiến trường nơi địa đầu “Vùng 1 chiến thuật” của địch. Cây đa cổ thụ cao hàng chục mét, tán xòe rợp cả một vùng rộng lớn mà ông nhớ, trận đánh lịch sử của đơn vị ông đã diễn ra ở đây vào mùa xuân năm 1968, cây đa trở thành đài quan sát để điều chỉnh tầm bắn của pháo binh ta. Dù bom cày, đạn xới, cây đa vẫn sừng sững với hàng ngàn vết thương trên thân, cành bị chặt đứt, cây vẫn là điểm cao để lính trinh sát của ta dùng ống nhòm quan sát các cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, bãi Chùa, bãi Dâu, các đồi 544, 425… là các cứ điểm quân sự quan trọng nằm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương trở vào. Cây đa đã giúp ta chiến thắng trong nhiều trận đánh lớn.

Sau ngày Quảng Trị giải phóng, cây đa sau bao năm bám trụ chỉ còn lại gốc tướng Hiệu đã tìm lại và mang đến một cây đa búp đỏ trồng lên chỗ cây đa cũ như để nhớ mãi “cây đa huyền thoại năm xưa” và cũng là nơi để tưởng nhớ hương hồn các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Người dân thôn Gia Bình cũng đã quyết định dời đình làng về cạnh gốc đa để tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc.

Năm 1977 sau chuyến thăm Ấn Độ và được Thủ tướng Ấn Độ Gandhi tặng cây đa, ông đã đem về trồng tại Thành đội Quảng trị được mang hơi ấm và trí tuệ nơi đất Phật 35 năm trôi qua cây đã lớn nhanh to gần 3 người ôm như để hàn gắn những vết thương chiến tranh bởi lòng từ bi và trí tuệ giác ngộ.

Năm 2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại trở lại thăm Ấn Độ lần thứ 2 và được các nhà sư ở chùa Bosgaya tặng ông 3 cây bồ đề. Ông lại đưa những cây bồ đề ấy về trồng tại những nơi linh thiêng để tri ân đồng chí, đồng bào, trong đó, một cây ông trồng ở Nghĩa trang Quốc gia đường 9, vùng đất của máu lửa chiến tranh; một cây ông trồng tại Nghĩa trang xã Hải Long quê nhà. Trong chuyến thăm Ấn Độ lần thứ 3 vào năm 2007, khi được các nhà sư tặng 5 cây bồ đề, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã mang về trồng ở chân tượng Bác Hồ ở Thủy điện Hòa Bình; ở chùa Quang Sơn (cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn); ở Thủy Nguyên (nơi đã diễn ra trận đánh Bạch Đằng lịch sử của Trần Hưng Đạo), Hải Phòng và ở Xuân Thủy, Nam Định. Đến nay, ông đã tự tay trồng được 367 cây các loại, chủ yếu là cây đa và cây bồ đề ở các nơi linh thiêng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, hầu hết các đơn vị trong toàn quân.

Trong khuôn viên ngôi nhà tướng Hiệu che lấp bởi màu xanh của cây cảnh. Ông tâm sự: “Với tôi, trồng cây như một sự tri ân với đồng đội, với những mảnh đất đã một thời nhuốm máu của đồng đội.Việc trồng cây, cũng là thắp lên những mấm xanh hy vọng cho đất mẹ-vùng đất đã bị cầy xới, khô cằn trong chiến tranh. Tôi cũng mong thế hệ hôm nay đóng góp nhiều hơn cho công cuộc bảo vệ môi trường, ươm nhiều hơn nữa những mầm xanh trải dài khắp đất Việt”.

Vương Hà

Các tin khác