MỘT SỐ VẤN ĐỀ HỘI CHIẾN SỸ THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ NĂM 1972

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2014

MỘT SỐ VẤN ĐỀ HỘI CHIẾN SỸ

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ NĂM 1972

(Tài liệu phục vụ buổi làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972)

         Sau khi nhận đơn và hồ sơ đề nghị thành lập hội của Ban Vận động thành lập “Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972”, Bộ Nội vụ đã giao Vụ chức năng thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động,  quản lý hội và ý kiến của Chủ  tịch nước tại công văn số 938/VPCTN-TĐKT ngày 09/7/2012 của Văn phòng Chủ tịch nước về thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ nội vụ đã thực hiện trình tự , thủ tục thành lập hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 theo đúng quy định tại Nghị định số 458/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 theo thẩm quyền.

Trước khi Đại hội thành lập được tổ chức, Bộ Nội Vụ nhận được đơn của ông Hoàng Thiện và ông Nguyễn Hải Như đề nghị tổ chức Đại hội thành lập theo đúng tên gọi của Quyết định cho phép thành lập hội của Bộ Nội Vụ. Bộ Nội vụ đã làm việc trực tiếp với Ban vận động thành lập hội và ban hành công văn số 2546/BNV-TCPCP ngày 18/7/2013 gửi Ban vận động đề nghị giữ đúng tên gọi đúng theo quyết định cho phép thành lập, đề nghị Đại hội dân chủ thảo luận, tạo sự nhất trí cao thông qua dự thảo Điều lệ phù hợp với tên gọi theo Quyết định cho phép thành lập.

         Ngày 19/7/2013, Đại hội thành lập Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã được tổ chức tại hội trường Bộ công an với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nột số bộ ngành liên quan và các đại biểu về dự Đại hội. Hội đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ Hội theo quy định của pháp luật.

Sau Đại hội thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Bộ Nội vụ tiếp tục nhận được đơn của ông Hoàng Thiện, ông Trần Ngọc Long và công văn của tỉnh ủy Quảng Trị phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thành lập và việc tổ chức Đại hội thành lập Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972; Bộ Nội vụ đã làm việc trực tiếp với ban tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội Vụ Quảng Trị và có văn bản để nghị hội báo cáo giải trình. Trên cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị và nội dung báo cáo của Hội, Bộ nội vụ đã ban hành Công văn số 3339/ BNV-TCPCP ngày 18/9/2013 và công văn số 4133/BNV-TCPCP ngày 13/11/2013 trả lời công dân.

Thời gian gần đây, Bộ nội vụ tiếp tục nhận được công văn số 404-CV/TU ngày 06/12/2013 của Tỉnh ủy Quảng Trị và văn bản ngày 3/1/2014 của ông Trần Ngọc Long kiến nghị một số nội dung liên quan đến Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Hội tiếp tục có văn bản đề nghị bộ nội vụ xem xét, phê duyệt điều lệ.

Một số nội dung trao đổi của Tỉnh ủy Quảng Trị và có ý kiến phản ánh, kiến nghị của ông Hoàng Thiện, ông Trần Ngọc Long, Bộ Nội vụ đã có văn bản trao đổi, trả lời. Tại buổi làm việc hôm nay, Bộ Nội vụ tổng hợp những nội dung trao đổi của Tỉnh ủy Quảng Trị, ý kiến phản ánh, kiến nghị của ông Hoàng Thiện, ông Trần Ngọc Long và xin tiếp tục trao đổi như sau:

1/Nội dung trao đổi của Tỉnh ủy Quảng Trị (công văn số 343-CV/TU ngày 25/7/2013, công văn số 378-CV/TU ngày 14/10/2013, công văn số 404-CV-TU ngày 6/12/2103)

*/ Quá trình thành lập Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 không lấy ý kiến tỉnh, nơi có địa danh lịch sử.

*/ Việc thành lập Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 không đúng với Nghị định 45/2010/NĐ-CP vì trùng lắp lĩnh vực hoạt động chính với Hội Cựu chiến binh được thành lập trước đó.

*/ Ông Lê Xuân Tanh nguyên phó giám đốc Sở nội vụ thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy theo phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Tỉnh khi đứng ra làm Trưởng ban vận động thành lập Hội, bầu làm chủ tịch hội. Không đồng ý để ông Lê Xuân Tánh làm chủ tịch Hội vì không phải là người tiêu biểu cho các đồng chí trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong 81 ngày đêm và đang bị kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên.

*/ Tham gia Điều lệ Hội: đề nghị tiêu chuẩn hội viên chính thức là “Công dân Việt Nam là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972”, nếu như dự thảo lấy ý kiến thì hội viên trùng với hội viên Hội cựu chiến binh.

*/ Không đồng ý Hội đặt trụ sở chính tại Quảng Trị, vì Hội chiến sĩ Thành cổ hoạt động trong phạm vi Tỉnh đã bị Tỉnh giải thể.

Những nội dung trên, bộ Nội vụ xin trao đổi như sau:

*/ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP không quy định Bộ nội vụ phải lấy ý kiến các địa phương trong quá trình xem xét, cho phép thành lập hội hoạt động trong phạm vi cả nước;

*/ Trên cơ sở đơn và hồ sơ đề nghị thành lập Hội của Ban vận  động thành lập hội (do Bộ lao động – Thương binh và xã hội quyết định và công nhận), căn cứ nghị định số 45/2010/ND-CP Bộ nội vụ đã thực hiện trình tự, thủ tục thành lập hội chiến sĩ thành cổ quảng trị năm 1972 theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ đề nghị thành lập Hội lấy ý kiến các cơ quan có liên quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Lao động Thương binh & xã hội, Bộ quốc phòng, Bộ Công an. Các cơ quan có liên quan đã có ý kiến về việc thành lập hội, ban tổ chức Trung ương (CV số 3889 – CV/BTCTW ngày 11/12/2012), 3899-CV/BTCTW ngày 11/12/2012), Ban Dân vận Trung ương (CV số 689-CV/BDVTW ngày 13/12/2012), Ban Tuyên giáo Trung ương (CV số 3654-CV/BTGTW ngày 13/12/2012), Bộ Quốc phòng (CV số 3907/BQP-TCCT ngày 11/12/2012), Bô lao động – Thương binh và Xã hội (CV số 128/LĐTBXH-NCC ngày 15/1/2013), Bộ Công an (CV số 428/C64-P3 ngày 3/4/2013), các cơ quan có liên quan đều nhất trí chủ trương và đồng ý về nguyên tắc thành lập Hội, đề nghị Bộ Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Sau khi tổng hợp ý kiến các cơ quan có liên quan, xem xét hổ sơ, căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 458/QĐ-BNV ngày 23/4/2013 về việc cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam là đoàn thế chính trị - xã hội, được tổ chức, hoạt động theo Pháp lệnh Cựu chiến binh, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 được thành lập theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, là tổ chức xã hội, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, pháp luật không cấm công dân, tổ chức Việt Nam tham gia là hội viên của nhiều hội. Trong thực tế, căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ cũng đã cho phép thành lập một số hội có hội viên là cựu chiến binh tham gia như: Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam, các hội này đã tập hợp đông đảo hội viên, hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Căn cứ Quyế định số 67-QĐ/TW ngày 04/07/2007 của Bộ Chính trị ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và Hướng dẫn số 09/HD/BTCTW ngày 26/6/2007 của Ban tổ chức Trung ương thì ông Lê Xuân Tánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị không thuộc đối tượng để cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định tại Quyết định 67-QĐ/TW (ở cấp Trung ương) xem xét, cho ý kiến trước khi được bầu là Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

          Về nơi đặt trụ sở chính của Hội do Hội lựa chọn trên cơ sở các giấy tờ hợp lệ liên quan đến quyền sử dụn g nhà, đất nơi Hội dự kiến đặt trụ sở; trường hợp tỉnh Quảng Trị không đồng ý để Hội đặt trụ sở chính tại tỉnh Quảng Trị, đề nghị tỉnh Quảng Trị làm rõ quy định của pháp luật về vấn đề.

 2/Nội dung phản ánh, kiến nghị của ông Hoàng Thiện, ông Trần Ngọc Long (ông Hoàng Thiện tại văn bản ngày 27/7/2013 và Văn bản ngày 28/11/2013, ông Trần Ngọc Long tại văn bản ngày 11/8/2013 và văn bản ngày 03/1/2014):

*/ Trong quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội, Ban vận động đã né tránh, không liên hệ với các đơn vị hiện hữu, các Ban liên lạc của các đơn vị và các nhân chứng lịch sử đã từng trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy bảo vệ Thành cổ; đã chỉ đạo để có số đông đại biểu không phải là chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị được cử đi dự Đại hội, gây bất hòa, phức tạp giữa các Cựu chiến binh tại một số địa phương;

*/ Việc thảo luận thông qua dự thảo Điều lệ Hội tại Đại hội chưa có sự nhất trí cao, thời gian dành cho thảo luận Điều lệ ngắn, Đại hội thông qua dự thảo Điều lệ trong khi còn ý kiến trái chiều, nhất là nội dung: Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội;

*/ Việc chuẩn bị nhân sự Ban chấp hành Hội chưa đảm bảo công khai, chưa làm rõ cơ cấu, tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Hội, đại biểu Đại hội chưa được tìm hiểu nhân thân từng ủy viên Ban chấp hành Hội. Hầu hết ủy viên Ban Chấp hành, Ban thường vụ, Chủ tịch, Phó chủ tịch không phải là chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị.

Đề nghị không công nhận kết quả Đại hội hoặc Ban lãnh đạo Hội;

*/ Tên gọi của Hội là Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thì hội viên phải là chiến sĩ. Không đồng ý về thành phần hội viên như dự thảo Điều lệ, quá rộng, không đúng với lịch sử tác chiến bảo vê Thành cổ;

*/ Ông Lê Xuân Tánh, Chủ tịch Hội chưa tiêu biểu, đại diện cho chiến sĩ Thành cổ hiện đang là nhân chứng lịch sử và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Về những nội dung phản ánh, kiến nghị trên,

 Bộ Nội vụ có ý kiến như sau:

Sau khi nhận được kiến nghị của công dân, Bộ Nội vụ đã có Công văn gửi Hội đề nghị báo cáo, giải trình. Trên cơ sở báo cáo của Hội và qua theo dõi công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội của Hội, căn cứ quy định của pháp luật về hội, Bô Nội vụ đã có Công văn 4133/BNV-TCPCP ngày 13/11/2013 trả lời công dân:

*/ Sau khi có quyết định thành lập Hội của Bộ Nội vụ, thực hiện quy định của pháp luật, Ban Vận động đã tổ chức các cuộc họp với các đoàn địa phương để triển khai công tác chuẩn bị (có mời đại diện các bộ, ngành tham dự) và có văn bản gửi đoàn đại biểu các tỉnh xem xét, cho ý kiến về cử đại biểu dự Đại hội, tham gia dự thảo Điều lệ cũng được Ban Vận động chỉnh sửa theo hướng tiếp thu ý kiến góp ý, phản ánh của các đoàn địa phương. Như vậy, Ban vận động thành lập Hội đã thực hiện công tác chuẩn bị Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 theo quy định của pháp luật;

*/ Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 ngày thứ nhất 19/7/2013 tại Hội trường Bộ Công an đã có 11 ý kiến phát biểu. Tại Đại hội, mặc dù còn có ý kiến đề nghị được phát biểu nhưng do Đại hội còn nhiều chương trình nên Đoàn Chủ tịch đề nghị dừng thảo luận để Đại hội thông qua dự thảo Điều lệ. Tuy nhiên có đại biểu không đồng ý, đề nghị Đại hội tiếp tục thảo luận và tại Đại hội vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất về tôn chỉ, mục đích, hội viên… nhưng khi biểu quyết bằng hình thức giơ tay thông qua dự thảo Điều lệ thì không có ý kiến giơ tay phản đối không thông qua. Điều lệ (100% biểu quyết tán thành thông qua Điều lệ). Pháp luật về hội quy định: Hội tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm. Hình thức biểu quyết giơ tay hay bỏ phiếu kín là do Đại hội quyết định, các quyết định của Hội phải được trên ½ đại biểu chính thức có mặt tán thành: Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, việc Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 thông qua dự thảo Điều lệ Hội đã thực hiện theo các quy định của pháp luật về Hội.

*/ Quy định của pháp luật về Hội không quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét kết quả Đại hội, hoặc công nhận ban lãnh đạo Hội mà chỉ quy định xem xét, phê duyệt Điều lệ Hội được Đại hội thông qua, do đó, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 3339/BNV-TCPCP ngày 18/9/2013 gửi lấy ý kiến Ban Dân vận Trung ương, Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về dự thảo Điều lệ, trong đó có đề nghị cho ý kiến rõ về tôn chỉ, mục đích, hội viên. Bộ Nội vụ đã nhận được ý kiến của 4/5 cơ quan, gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương tại Công văn số 5024-CV/BTGTW ngày 2/10/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại Công văn 3806/LĐTBXH-TCCB ngày 4/10/2013, Bộ Quốc phòng tại Công văn số 7839/BQP-CT ngày 3/10/2013, tỉnh ủy Quảng Trị tại Công văn số 378-CV/TU ngày 14/10/2013.

*/ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhất trí với dự thảo Điều lệ, trong đó có quy định về tôn chỉ, mục đích, hội viên tại dự thảo là: “Hội viên chính thức: Công dân Việt Nam là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tán thành Điều lệ Hội, tự  nguyện xin gia nhập Hội đều được xét kết nạp hội viên của Hôi”.

*/ Bộ Quốc phòng cơ bản nhất trí và bổ sung cụm từ “cách mạng”, cụ thể là: “Hội viên chính thức: Công dân Việt Nam là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cách mạng và những người đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu cho cách mạng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội đều được xét kết nạp hội viên của Hội”.

*/ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị không tán thành với quy định tại dự thảo và đề nghị quy định hội viên chính thức: “Công dân Việt Nam là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972”, nếu như dự thảo Điều lệ thì hội viên trùng với hội viên của Hội Cựu chiến binh, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ các ý kiến phản ánh của ông Hoàng Thiện, ông Trần Ngọc Long.

Như vậy, ý kiến của các cơ quan Trung ương, gồm có: Bộ quốc phòng, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cơ bản thống nhất với dự thảo Điều lệ Hội, trong đó có vấn đề hội viên; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị không tán thành với nội dung quy định về hội viên tại dự thảo Điều Lệ.

*/ Liên quan đến vấn đề hội viên, Hội có văn bản gửi Bộ Nội vụ, kèm theo Công văn số 2203/BCH-TU ngày 8/11/2013 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị về việc thẩm định kỷ niệm chương, trong đó các nêu tên các đơn vị từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (gồm nhiều lực lượng tham gia) và Phụ lục cung cấp số liệu. Ông Hoàng Thiện gửi bản sao Công văn số 435/VL ngày 5/8/2013 của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam do ông Viện trưởng, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo ký, trong đó nêu: “Tuy nội dung trong tài liệu có chỗ chưa thật thống nhấ, song điều cơ bản là về diễn biến tác chiến gắn với những lực lượng và con người trực tiếp chiến đấu ở đây được đề cập khá thống nhất, đảm bảo sự tin cậy và đã được độc gỉa, trong đó có nhiều cựu chiến binh Thành cổ tán thành”.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Hội, Bộ Nội vụ thấy: Với mục đích thành lập Hội là nhằm tập hợp, đoàn kết hội viên, khơi dậy, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu, hy sinh gian khổ và khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, tiếp tục đóng góp sức lực của mình trong phong trào thi đua yêu nước, động viên, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, tìm kiếm nơi liệt sĩ hy sinh, tri ân liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, góp phần nâng cao truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội là tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thì hội viên của Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: “Công dân Việt Nam là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cách mạng và những người từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu cho cách mạng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội đều được xem xét và kết nạp hội viên của Hội” như ý kiến của Bộ Quốc phòng là phù hợp, ý kiến của Bộ Quốc phòng cũng cơ bản thống nhất với ý kiến của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đề nghị các vị đại biểu thảo luận, thống nhất, trên cơ sở đó Bộ nội vụ xem xét, phê duyệt Điều lệ của Hội để Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 sớm đi vào hoạt động.

Đoàn chiến sỹ thành cổ Quảng Trị báo công trước anh linh Bác

Đoàn vào lăng viếng Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Các đại biểu về dự đại hội chụp ảnh lưu niệm trước Phủ Chủ tịch

Đại hội biểu quyết

Ông Lê Xuân Tánh được đại hội nhất trí bầu làm chủ tịch Hội

Ban chấp hành Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị 1972

Các tin khác