Kỷ niệm với Võ Đại tướng qua hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Tướng Hiệu nói rằng, ông thuộc thế hệ sau, được chiến đấu trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam nên nhiều lần được vinh dự tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có những kỷ niệm với Đại tướng mà ông không bao giờ quên. Võ Đại tướng đã có những lời căn dặn chí tình dành cho tướng Hiệu và đồng đội của ông.
Nhớ mãi phong cách cởi mở, ân cần của Đại tướng
Quân đoàn 1 vốn là Binh đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 24/10/1973. Khi đó, với tư cách là Phó Thủ tướng, đại diện cho Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (kiêm Bộ trưởng Quốc phòng) đã ký quyết định thành lập Quân đoàn 1. Địa điểm được lựa chọn làm nơi đóng quân của Quân đoàn 1 là tại Tam Điệp (Ninh Bình) – nơi vốn được nhắc đến là vùng đất địa linh nhân kiệt. Chính nơi đây, vua Quang Trung đã từng tập kết quân để đại phá quân Thanh, giành lại Thăng Long.
Khi đó, Bộ Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 1 có tướng Lê Trọng Tấn - Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1, còn đồng chí Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chính ủy Quân đoàn 1. Ngày thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1.
Cho đến tận bây giờ, sau 40 năm, Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu vẫn còn nhớ rất rõ kỷ niệm trong ngày trọng đại đó. Đối với ông, Quân đoàn 1 giống như một phần máu thịt của mình, ông là người lính từng có rất nhiều năm gắn bó với Binh đoàn chủ lực này. Ngày thành lập đầu tiên của Quân đoàn, Nguyễn Huy Hiệu cũng vinh dự được về tham dự và được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cũng như nói chuyện thân mật với tất cả cán bộ, chiến sĩ trong ngày hôm đó.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bồi hồi xúc động: “Lúc đó tôi là cán bộ Trung Đoàn và là Anh hùng LLVTND nên được về dự lễ thành lập. Tôi không thể nào quên hình ảnh người Đại tướng giản dị, ân cần, gần gũi với tất cả cán bộ chiến sĩ của mình. Đại tướng đã căn dặn lãnh đạo Quân đoàn và an hem chúng tôi những điều rất chí tình”.
Năm 1974, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 - Sư 320B - Quân đoàn 1. Năm 1975, ông chỉ huy cuộc hành quân thần tốc từ Tam Điệp vào miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử của Đất nước. Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu còn nhớ, khi đơn vị của ông và các đơn vị bạn hành quân đến đèo Ăng – Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15 oát với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới niềm Nam. Quyết chiến và quyết thắng!”.
Bằng vẻ mặt tự hào, ánh mắt rạng ngời, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: “Sau khi nghe xong mệnh lệnh đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ đều quên hết mệt mỏi, tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến về tiền tuyến”.
Nhà quân sự và nhà khoa học (nghệ thuật chiến tranh)
Sau khi giải phóng miền Nam, Nguyễn Huy Hiệu được cử đi tập trung học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn. Từ năm 1978-1979 ông tiếp tục được cửa đi học tại Học viện cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam khóa đầu tiên.
Sau khi hoàn thành xong chương trình đào tạo, năm 1980 Nguyễn Huy Hiệu được điều về làm Sư trưởng Sư 320B - Quân đoàn 1. Ông kể: “Hồi đó tôi về Quân đoàn, cùng với các lãnh đạo của Quân đoàn và chuyên gia Nga để thực nghiệm các loại hình chiến thuật, huấn luyện hợp đồng quân binh chủng cho toàn quân để rút kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng quân đội cách mạng chính quy trong điều kiện mới. Đến năm 1987, tôi được điều về làm Phó Tư lệnh thứ nhất và sau đó là lên Tư lệnh Quân đoàn 1. Trong suốt những năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm tỉnh Ninh Bình và cố đô Hoa Lư. Đại tướng cũng tới thăm Quân đoàn 1 ở Tam Điệp. Khi Đại tướng về đây, tôi đã mời Đại tướng đến thăm nông trường dứa Đồng Giao. Đây là một nông trường của quân đội. Đón Đại tướng có lãnh đạo địa phương, đồng chí Tường Minh là giám đốc nông trường đã hướng dẫn cho Đại tướng đi thăm quan những nơi sản xuất. Đại tướng nghe giám đốc báo cáo về tình hình sản xuất dứa và xuất khẩu của nông trường”.
Tướng Hiệu kể rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói chuyện rất cởi mở. Người nói rất nhiều với lãnh đạo và công nhân ở đây về cách mạng khoa học, đặc biệt là vấn đề về sinh học để nâng năng suất và chất lượng sản xuất dứa. Đại tướng gợi ý về vấn đề giống cây trồng lai tạo.
Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giọng nói và thái độ của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đều thể hiện lòng thành kính đối với bậc tiền bối. Ông bảo: “Đại tướng là người nghiên cứu nhiều về khoa học nên khi đến thăm nông trường dứa Đồng Giao, ông đã nói rất nhiều về vấn đề này. Khi chúng tôi tháp tùng Đại tướng đi, Người đã căn dặn lãnh đạo địa phương và lãnh đạo nông trường là phải tiếp cận để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất dứa và các loại cây trồng. Đưa các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để phát triển sản xuất, kể cả chăn nuôi”.
Theo lời Tướng Hiệu, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Quân đoàn 1, ông cũng có mời Đại tướng đi thăm làng Quyết thắng của Quân đoàn. Tại đây, Đại tướng đi thăm các gia đình và cựu chiến binh làm sinh vật cảnh. Đại tướng biểu dương các cựu chiến binh. Người căn dặn là phải phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng mới. Cần nhân rộng việc phát triển sinh vật cảnh ra các đối tượng chính sách của địa phương để nâng cao đời sống cựu chiến binh, giảm đói nghèo.
“Về phía lãnh đạo cũng như cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 1, Người căn dặn Quân đoàn 1 là quân đoàn chủ lực đầu tiên, phải xây dựng quân đoàn cách mạng chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến. Và, phải giáo dục chiến sĩ học tập để làm chủ khoa học công nghệ mới trong giai đoạn mới. Người cũng nói nhiều về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc cũng như những diễn biến trong tương lai. Trong thời bình, phải xây dựng quân đội trở thành “quả đấm thép”, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ và lòng trung thành với sự nghiệp Cách mạng của Đảng. Ngoài ra, Người còn căn dặn chúng tôi phải quan tâm đến các gia đình chính sách, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ cán bộ noi gương. Phải làm tốt công tác dân vận, quân với dân là một ý trí, nhất là với các đơn vị thuộc Quân đoàn 1, đóng quân trên các địa bàn, phải chú ý giúp dân, lo cho dân, quân đội là vì dân”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.
Sau này, khi Đại tướng nhiều tuổi, sức khỏe yếu không vào thăm được Quân đoàn, hàng năm Người thường gửi thiệp chúc Tết cho Quân đoàn, cho địa phương và gửi cho Tướng Hiệu. Trên tất cả các tấm thiệp chúc năm mới, bao giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ký trực tiếp lên đó. Đối với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, những kỷ niệm đó không bao giờ phai nhạt.
Hồng Hà
- Khánh thành tượng và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh h... (19/10/2022 - 14:05)
- Mừng thọ Đồng đội Ban LLTT CCB Trung đoàn 27 tại thành phố H... (19/10/2022 - 13:52)
- Bà má tham mưu của Trung Đoàn 27 (30/12/2020 - 03:46)
- Về phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng tại hội trường Quốc Hội... (25/11/2020 - 03:00)
- NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÔN HẬU CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO THƯỢNG TƯỚNG VIỆN... (17/04/2020 - 08:20)
- Thường trực Ban liên lạc, chúc mừng sinh nhật ... (11/02/2020 - 07:26)
- Đại hội đại biểu Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 (18/12/2019 - 03:49)
- Báo cáo tham luận tại hội thảo (11/10/2019 - 07:26)
- Liệt sỹ: Nguyễn Hữu Thảo (11/09/2019 - 06:59)
- Công văn của hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 Thái B... (11/09/2019 - 04:53)
Liên hệ
- Website: | trungdoan27.com.vn |
- Email: | This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. |