Vị tướng với tấm lòng tri ân

Tuệ Đức thực hiện

Vào những ngày đầu tháng bảy, thật khó để có thể gặp được thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho dù ông đã nghỉ hưu được mấy năm nay. Những ngày này, ông bận rộn với công việc đền ơn đáp nghĩa trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Dường như đó là một công việc mà ông tâm huyết nhất, đau đáu nhất kể từ khi đất nước hoàn toàn độc lập cho đến giờ phút này. Ông thường xuyên có những chuyến đi, tìm về chiến trường xưa, tìm về gia đình đồng đội cũ, những người đã giúp ông, vùng đất đã đồng cam cộng khổ trong những tháng năm quân ngũ để tri ân. Dường như ông không chỉ sống cho mình mà còn sống thay phần của các đồng đội đã nằm xuống. Và, ông xem đó là một trách nhiệm.

            Tháng 4 năm 2010 ông được Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga bầu là Viện sỹ (nghệ thuật chiến tranh) và ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được bầu trên lĩnh vực này.

Vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thăm và chúc thọ

Trung tướng Phạm Minh Tâm - nguyên ET/E27 tại Đà Nẵng

Thưa thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, công việc của một viện sĩ đó là gì, và ông còn có thể cống hiến đến khi nào?

Là một viện sĩ khoa học quân sự nên tôi có thể đóng góp cho khoa học suốt cả đời. Công việc của tôi là nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh, ngoài ra tôi còn quan tâm đến vấn đề xã hội học chiến tranh, môi trường và nhiều vấn đề khác nữa.

Tuy đã nghỉ hưu, nhưng xem ra gặp được ông không phải dễ?
Bây giờ nghỉ hưu rồi, tôi có điều kiện và thời gian để thăm và tri ân các đồng chí đồng đội, bà con cô bác, những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc và những người đã cưu mang cho chúng tôi. Và đặc biệt cứ đến mùa báo ân, các chuyến đi lại nhiều hơn, tôi cùng đồng đội lại tiếp tục cuộc hành quân trở lại thăm chiến trường xưa, đi tìm đồng đội.

Có lẽ vì vậy mà trời đã phú cho ông có sức khoẻ tốt để liên tục hành quân, mặc dù đã gần tuổi 70.

Tôi là người hay đi, ngay từ khi còn trẻ cho đến tận bây giờ, với tôi đi để khỏe ra và để nạp thêm năng lượng cho mình.

Cho đến giờ phút này có điều gì làm ông trăn trở nhất?

Đau đáu trong tôi là việc tìm những người con trung hiếu còn lưu lạc ở chiến trường xưa về lại với nghĩa trang quê nhà, trả lại cho những người chiến sỹ đã ra đi vì Tổ quốc một nơi yên nghỉ mãi mãi, với tên tuổi được ghi nhận để đời sau được báo ân.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã hành quân qua nhiều vùng đất, tham gia chiến đấu trên nhiều mặt trận. Vậy có địa danh nào khiến ông nhớ nhất không?

Có lẽ vùng đất để lại cho tôi nhiều kỉ niệm, nhiều cảm xúc nhất đó là Quảng Trị. Nơi ấy, với tôi mỗi cái tên như: Cồn Tiên, Cam Lộ, Dốc Miếu, Đường 9, Đường 76, Khe Sanh, Tà Cơn, Thành Cổ, sông Ba Lòng, sông Thạch Hãn... đã ăn sâu vào trong tâm thức.

Quảng Trị có thể được xem như là quê hương thứ hai của ông?

 Đúng vậy. Quảng Trị có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, nơi đây nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn yên nghỉ. Chỉ tính riêng những người hy sinh mà tôi chứng kiến, có nhiều đồng đội được chính tôi băng bó rồi đưa đi mai táng. Quảng Trị sau khi kết thúc chiến tranh có đến 72 nghĩa trang với 60.000 liệt sỹ. Trong đó, nghĩa trang quốc gia Trường Sơn có tới 10.263 mộ chí, nghĩa trang quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của 10.420 liệt sỹ, chưa kể các nghĩa trang không tên như: Thành cổ Quảng Trị, các dòng sông, cửa biển, bìa rừng và khe suối…

Được biết tất cả các đồng đội hy sinh đều được ông nhớ và ghi chép rất cẩn thận. Nhờ đó mà sau ngày giải phóng nhiều gia đình liệt sĩ đã tìm lại được hài cốt người thân.

Trong thời gian Trung đoàn 27 bám trụ ở chiến trường Quảng Trị, tôi đã âm thầm ghi lại tên của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Tôi giữ cuốn sổ nhỏ ghi tên đồng đội hy sinh như báu vật. Đã có thời gian sợ trí nhớ lãng quên, sợ mất đi cuốn sổ nhỏ thiêng liêng ấy, tôi đọc tên đồng đội vào máy ghi âm để lưu lại. Quê quán của cán bộ, chiến sĩ tôi viết lại theo trí nhớ và ghi chép của mình, nên có thể có chỗ chưa chính xác, mong gia đình các liệt sỹ lượng thứ. Tôi chỉ mong rằng, thân nhân các liệt sỹ có thể biết được ngày, nơi hy sinh, nơi an táng của các liệt sỹ.

Những ghi chép và hồi ức đó của ông đã được viết lại thành cuốn hồi kí Một thời Quảng Trị?

Vâng. Cuốn sổ ghi chép và cả những hồi ức của tôi đã được nhà văn, đại tá Lê Hải Triều viết lại thành cuốn hồi kí. Sau khi được xuất bản nó đã giúp cho nhiều gia đình liệt sĩ có được thông tin để tìm hài cốt người thân.

Trong số các trường hợp gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt thông qua cuốn hồi kí của ông, có trường hợp nào đáng nhớ nhất đối với ông không?

Nói chung mỗi trường hợp là một câu chuyện, một số phận, một hoàn cảnh khác nhau. Cứ mỗi một gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân của mình qua những thông tin ghi chép của tôi đều khiến tôi sung sướng và xúc động trào nước mắt. Có thể kể đến trường hợp của gia đình liệt sỹ Ngô Đức Hạt - Tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 2, quê ở thôn Vũ, Lương Nha, Thanh Sơn, Phú Thọ sau gần 40 năm đã tìm thấy thông tin về nơi liệt sỹ đã hy sinh, cũng nhờ cuốn tư liệu của tôi. Vợ liệt sỹ Hạt nay đã 74 tuổi, nghẹn ngào nói: “Tôi rất muốn đưa hài cốt chồng tôi và đồng đội của ông ấy về quê để hương khói. Đã bao năm tôi cạn nước mắt”.

Thưa thượng tướng, trong những năm tháng xông pha chiến trận, có người đồng đội nào đã để lại cho ông những kỉ niệm và tình cảm khó quên nhất không?

Tất cả những đồng đội đã hy sinh tôi đều nhớ, không quên một ai. Họ luôn ở trong trái tim tôi, trong tâm trí tôi. Chính họ là động lực to lớn để giúp tôi làm những công việc tri ân không mệt mỏi. Còn những người đồng đội đang sống, thường xuyên chúng tôi vẫn gặp gỡ thăm hỏi nhau, chia sẻ vui buồn, khó khăn mất mát trong cuộc sống. Tuy nhiên trong những năm chiến trận có những nhân vật mà tôi không bao giờ quên. Những người người mà tôi coi như người thân ruột thịt của mình. Đó là má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu, Bình Dương và anh hùng Hoàng Thọ Mạc. Hàng năm, cứ đến mùa báo ân tháng 4 là gia đình tôi và đồng đội lại về Lái Thiêu thắp nhang ở nghĩa trang tỉnh Bình Dương và ở mộ má Sáu Ngẫu và đồng đội ở Lái Thiêu. Ba mươi tám năm đã qua, nhưng tất cả trong tôi vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.

Ông có thể kể rõ hơn về má Sáu Ngẫu?

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn tôi được giao nhiệm vụ đập tan tuyến tử thủ phía Bắc Sài gòn theo trục đường 13. Đêm 29/4, chúng tôi tiến đến Búng bắc Lái Thiêu- Bình Dương, tổ trinh sát đi tìm cơ sở cách mạng. Qua nghĩa trang và bìa rừng phát hiện ngôi nhà nhỏ có ánh đèn dầu, tổ trinh sát tiến vào, một bà má từ trong ra mở cửa, anh em đọc mật khẩu “Hồ Chí Minh”, má đáp lại “Muôn năm”. Đúng là cơ sở cách mạng rồi. Má mừng lắm. Sau đó má tự giới thiệu tên là Sáu Ngẫu. Chồng má tên là Hai Nhương hy sinh trong nhà tù của địch. Má vừa dạy học vừa nuôi hai con. Nhiệm vụ các anh giao cho má là nắm tin tức trong lòng địch, ghi lại địa điểm của địch ở Sài Gòn, khi có bộ đội giải phóng vào nói đúng mật hiệu, nhận đúng ám hiệu thì giúp đỡ bộ đội. Má chạy vào rồi đưa ra một tấm bản đồ, má trải ra rồi nói với Tôi và đồng chí Trịnh Văn Thư chính ủy trung đoàn. Đây là tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn, tấm bản đồ này chồng má giữ từ năm 1961. Mở tấm bản đồ, má Sáu Ngẫu chỉ vào từng vị trí đóng quân của địch, số lượng quân bao nhiêu, bố trí ra sao, khí tài, tập tính thế nào, nên đánh cách nào. Đêm đó má căn dặn chúng tôi rất căn kẽ. Má lo lắng như cho chính những đứa con của mình. Nhờ có má Sáu Ngẫu và cô Hai Mỹ, anh Sáu Châu dẫn đường mà đơn vị tôi tiến vào Sài Gòn nhanh và ít bị thương vong. Sau ngày giải phóng chúng tôi nhiều lần về thăm má, cũng như thường xuyên gửi thư thăm hỏi sức khoẻ má và các em. Trong một lần tôi đi công tác nước ngoài, ở nhà má Sáu đã ốm và mất. Sau này tôi cùng các đồng đội và gia đình đã xây khu mộ của má khang trang, để tỏ lòng biết ơn đối với má.

Qua những câu chuyện của ông, tôi cũng cảm nhận được phần nào tâm trạng của ông vào những ngày tri ân của tháng 7 này.

Đời người ngắn ngủi quá. Và tôi cũng đã đi đến gần cuối của cuộc đời rồi, quỹ thời gian chẳng còn là bao, chính vì vậy tôi càng muốn làm gấp những điều để tri ân đồng đội. Trong chiến tranh, tôi đã từng gắn bó, từng bế trên tay, từng mai tang bao đồng đội của mình. Ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh nhưng tất cả những người lính đều không ai bận lòng. Vào mỗi dịp tháng 7 tri ân, bao hoài niệm về đồng đội, biết bao kỷ niệm sâu thẳm cõi lòng cứ ùa về rưng rưng.

Ông có thể cho mọi người biết rõ hơn những việc tri ân mà ông đã làm.

Tôi cùng gia đình và các đồng đội đi về các địa phương thăm hỏi tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng, các gia đình có con em bị ảnh hưởng chất độc da cam, bị tai nạn bom mìn sau chiến tranh. Tôi cũng đã vận động đồng đội lên đường hành quân để đi tìm hài cốt các liệt sĩ. Và thật vui khi cuộc vận động này đã có sức lan toả sâu rộng, có kết quả tốt. Tôi cũng đã vận động được nhiều các doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng chứng tích chiến tranh, các đài tưởng niệm liệt sĩ. Tôi cũng cảm thấy vui khi giờ đây các công trình đó đã trở thành địa chỉ để cho mọi người đến tìm hiểu về những trang sử hào hùng của địa phương mình, cũng như là những địa chỉ văn hóa tâm linh để nhân dân có thể đến bày tỏ lòng tri ân đối với người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Trong số các công trình đó, có công trình nào làm ông cảm thấy hài lòng nhất không?

Có lẽ đó là Trung tâm Hoài niệm, tại số 1 Trần Hưng Đạo, Quảng Trị. Tại đây có xây tượng đài hoài niệm, chân tượng đài là một ngôi mộ chung dành cho những người đã ngã xuống.

Vậy có thể xem đó như là biểu tượng của sự hoà giải?

Đúng vậy. Tất cả mọi người đều có quyền đến đây để thắp hương, để khép lại quá khứ. Khi ai đó đến đây để thắp hương, có nghĩa là họ đã tự hoà giải với chính mình rồi sau đó là mở lòng mình để hoà giải với người phía bên kia.

Ông đánh giá thế nào về việc đãi ngộ với các gia đình có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thời gian qua?

Chúng ta đã có hàng trăm văn bản, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết thông tư của Đảng, nhà nước về thương binh liệt sĩ, về người có công với cách mạng được ban hành là thành quả to lớn, đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng chính sách. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện. Các chính sách ưu đãi xã hội của nhà nước về giáo dục, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, cải thiện về nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khoẻ, các chương trình lồng ghép xoá đói giảm nghèo, việc làm đã thiết thực hỗ trợ người có công ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên trong cơ chế mới. Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển rộng khắp cả nước.

Vậy là chúng ta đã làm khá tốt thưa ông?

Tất nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác thương binh liệt sĩ, công tác chính sách đối với người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa trong những năm qua vẫn còn những hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến chế độ chính sách, nhất là những chủ trương chính sách mới ban hành chưa thực sự sâu rộng, kịp thời. Một số nội dung nghiên cứu tham mưu đề xuất chưa đảm bảo tiến độ. Trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền còn hạn chế. Việc nắm nguyên tắc, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách của cơ quan, cán bộ đảm nhiệm công tác chính sách chưa tốt, đã gây ra không ít phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt cho xã hội. Bên cạnh đó nhiều qui định chưa theo kịp với quá trình đổi mới của đất nước. Đội ngũ cán bộ chưa được trang bị những kiến thức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

Vâng, tôi nghĩ trên thực tế còn rất nhiều những thiếu sót, những sự phi lý trong việc giải quyết chế độ cho người có công. Chẳng hạn như có kẻ không một ngày đi bộ đội nhưng vẫn làm được thẻ thương binh để hưởng ưu đãi, trong khi đó người có công, vất vả bao nhiêu năm để làm thủ tục hưởng chế độ mà vẫn không được…

Đó là sự yếu kém, những vấn còn tồn tại của bộ máy chính quyền ở nhiều địa phương, gây ra những ngang trái không thể chấp nhận, không thể tha thứ được. Nếu chúng ta làm không tốt, không thoả đáng về các chính sách cho người có công thì sẽ gây những tác động trực tiếp đến tinh thần, tư tưởng cho những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Lúc họ chiến đấu, hy sinh, đâu nghĩ đến sự hưởng thụ sau này. Nếu ta không đền đáp công ơn cho họ xứng đáng thì chúng ta sẽ thành những kẻ có tội.

Thưa ông, khi còn đuơng chức Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng ông có những việc làm gì để thúc đẩy chính sách, hành động đền ơn đáp nghĩa cho những người có công không? Và ông có gặp vướng mắc gì không?

Khi còn đương chức, tôi cũng đã có những để xuất liên quan đến việc đền ơn đáp nghĩa. Tất nhiên không phải đề xuất nào của mình cũng được đồng thuận. Nhân đây tôi cũng muốn nói luôn một ý nữa. Đó là khi còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi có điều kiện đi nhiều nước, dự nhiều cuộc họp, hội thảo quốc tế. Bất cứ khi nào có cơ hội tôi đều gửi thông điệp về những hậu quả của chiến tranh gây ra cho nhân dân Việt Nam, nó tàn khốc và đau thương đến mức độ nào. Tôi cũng đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ hãy chung tay cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Sau những nỗ lực kêu gọi như thế có đạt kết quả gì không thưa ông?

Cũng có. Đặc biệt là Mỹ đã phải cung cấp cho Việt Nam 180 đĩa CD ghi lại các cuộc tàn sát tập thể bộ đội Việt Nam trong các trận chiến. Cũng nhờ 180 CD phía Mỹ cung cấp mà quân đội ta tìm được một số hố chôn tập thể ở Quảng Trị, Biên Hoà và một số địa danh khác, xác định được danh tính hàng trăm liệt sỹ mất tích.

Thưa ông, với gần 50 năm quân ngũ, trong đó nhiều năm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội, có điều gì mà ông muốn nói muốn làm nhưng chưa thể thực hiện được không?

Có một điều tôi rất băn khoăn. Và có lẽ, đây là lần đầu tiên tôi nói ra. Tất cả quốc gia trên thế giới, khi đi qua chiến tranh họ đều tổng kết và công khai những sự hy sinh mất mát. Tuy nhiên đến giờ Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó. Tổng kết và công khai những hy sinh trong chiến tranh để thấy được sự tàn khốc do chiến tranh gây ra, để thức tỉnh lương tri loài người hãy biết yêu thương nhau hãy chung sống hoà để không bao giờ diễn ra những điều đau lòng như thế nữa.

Thưa ông, có phải ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Làng quân nhân?

Có lẽ vậy.

Ông có thể nói rõ vì sao mà ông đã có ý tưởng này?

Quân đội ta có một đặc điểm là đa số xuất phát từ nông thôn, từ một ngôi làng nào đó. Hòa bình, nhu cầu nhà ở cho sĩ quan, quân nhân tăng cao. Bộ quốc phòng có ý định xây dựng các khu nhà ở cho sĩ quan quân nhân để họ yên tâm phục vụ quân đội lâu dài. Những năm 80 khi đó tôi là sư trưởng Đại đoàn Đồng Bằng (nay là sư 390, tôi nghĩ sao ta lại không xây dựng khu nhà ở cho người lính như một cái làng nhỏ. Vì thế, lúc đầu làng có tên gọi là “làng Đồng Bằng” sau đó gọi là “làng quân nhân”. Làng góp phần tạo ra việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho cả những quân nhân vừa xuất ngũ, nên ngay từ khi mới ra đời đã được nhiều người hưởng ứng, quan tâm. Một ngôi làng của những người đã ra quân nhưng lại mang tính chất y hệt như quân đội từ cuộc sống đến sinh hoạt. Ngày thường, những cựu quân nhân đi làm kinh tế. Khi có chiến tranh xảy ra, các gia đình lập tức được chuyển thành đại đội phục vụ hậu cần cho chiến dịch. Nói cách khác, làng kinh tế quân nhân là khu căn cứ hậu cần trong thời kỳ hiện đại.

Nếu bây giờ có một điều ước cụ thể, ông sẽ ước điều gì?

Tôi mong muốn các gia đình có công với cách mạng sẽ được miễn phí tiền học hành, chữa bệnh.

 

Cảm ơn thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

 

 

 

Các tin khác