TƯỢNG ĐÀI HOÀI NIỆM TẠI TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN DU LỊCH HOÀI NIỆM VIỆT NAM, THỊ XÃ QUẢNG TRỊ

Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2013)  chúng ta lại về với Quảng Trị, là mảnh đất Anh hùng nơi đây còn ghi bao dấu tích hủy diệt khủng khiếp trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Tượng đài Hoài Niệm được nhà điêu khắc Phú Cường đưa ra 3 mẫu thiết kế, nhưng đã được Ban tư vấn trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Viện sỹ, Tiến sỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch danh dự Quỹ Hoài niệm xét duyệt và đưa ra mẫu thiết kế chung. Hội đồng tỉnh Quảng Trị thẩm định, quyết định cho khởi công xây dựng vào ngày 01/5/2012 tại Trung tâm Phát triển Du lịch Hoài niệm Việt Nam, thị xã Quảng Trị.

Tượng đài Hoài Niệm được đặt trên một đồi nhỏ với thảm cỏ xanh mướt, cao 2 mét, một vòng đai đá nhỏ rộng 1 mét, cao 0,5 mét ôm trọn lấy nấm mồ, thể hiện là một nấm mồ vô danh của các liệt sĩ đã ngã xuống sau 40 năm vẫn chưa tìm ra mộ. Phía trên có 9 cột, nâng đỡ 9 bông sen bằng đồng để thắp nến những ngày tri ân. Thân bằng chất liệu đá rubi đỏ nguyên khối, có bố cục hình tượng lấy một góc tường Thành Cổ Quảng Trị loang lổ vết bom đạn, một tấm khăn tang rũ xuống ôm lấy thân đài. Giữa thân đài là đoàn quân nối đuôi nhau, được tạc ở dạng phù điêu đi sâu vào trong tường thành. Phần còn lại của mảng tường là dải mây để từ đó bay lên năm con chim câu  tung cánh giữa  bầu trời hòa bình. Dưới chân tường thành là sóng nước thu ba - biểu tượng sóng nước của các sông và sông Thạch Hãn.

Tượng đài Hoài Niệm hoàn thành và khánh thành ngày 30/01/2013; công trình được xây từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm trong cả nước thông qua Quỹ Hòa bình và Phát triển với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng.

Đây là Tượng đài Hoài Niệm đầu tiên của Việt Nam vì đó là một việc làm cần thiết, thể hiện sự tôn vinh, tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nước và những nạn nhân chiến tranh. Hoài niệm về quá khứ hào hùng, bi tráng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc; thành tâm hướng tới tương lai, cầu nguyện cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, cho nhân loại không còn chiến tranh, chỉ có đối thoại, hữu nghị, hợp tác và văn minh.

Đồng thời nơi đây cũng cho phép phía bên kia được đến thắp nhang, vì đây là địa chỉ văn hóa, tâm linh của đồng bào, chiến sỹ của cả nước và bạn bè quốc tế; với họ cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến tranh do chính quyền của Mỹ và tay sai gây ra trong thời điểm lịch sử đó và giờ cùng nhau đấu tranh bảo vệ hòa bình.

Đến giờ này đây đã có rất nhiều đoàn cựu chiến binh trong nước và Quốc tế khi ghé thăm Quảng Trị đều đến dâng hương tại Tượng đài Hoài Niệm, để ngắm một công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc giàu ý nghĩa nhân văn tại thị xã Quảng Trị, góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

 

 

Các tin khác