Tướng Hiệu: Ra trận đừng nghĩ mình trở thành anh hùng

 

Ban biên tập web trungdoan27.com.vn nhận được bài viết phỏng vấn Tướng Hiệu  “ra trận đừng nghĩ mình trở thành anh hùng” của tác giả Ngô Hương Sen đăng trên báo Nhân Dân cuối tháng. Để bạn đọc phân biệt nội dung các bài đã đăng trước về Tướng Hiệu trên web, xin phép tác giả được đổi tấm hình và tiêu đề.

 

Tướng Hiệu: Ra trận đừng nghĩ mình trở thành anh hùng

                                                                                   NGÔ HƯƠNG SEN (Thực hiện)

 

Trẻ và linh hoạt hơn rất nhiều so với độ tuổi cận kề 70, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu dẫu về hưu, thôi đảm nhiệm trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng trái tim ông còn vẹn nguyên nhiệt huyết của một người lính, một cựu binh chưa bao giờ nguôi quên cuộc đời chiến trận hay bàng quan với hiện tình đất nước.Vẫn trên từng cây số, đi tới không thiếu một địa phương nào trên khắp chiều dài dải đất hình chữ S, vẫn làm việc, làm việc không ngừng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn canh cánh trong lòng nhiều “món nợ” với đồng đội, những món nợ chính ông tự ràng buộc cho mình...

 

- Thôi làm lãnh đạo cấp cao, ông vẫn có một văn phòng riêng vừa khang trang vừa tiện nghi và đặc biệt đọng đầy dấu ấn của nước Nga?

- Văn phòng này do người Nga sắp đặt, trang trải chi phí. Ngay khi tôi về nghỉ ở Bộ Quốc phòng, họ đã mời tôi sang đây. Đơn giản, tôi là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga, mà là viện sĩ được bầu chứ không phải viện sĩ vinh danh, nên tôi có nghĩa vụ phụng sự khoa học đến hết đời.

- Công việc hằng ngày của ông là gì?

- Theo nguyên tắc viện sĩ được bầu phải cống hiến cho khoa học suốt cuộc đời, nên tôi còn làm tại đây ít nhất đến năm 2020. Ở Việt Nam có tôi là người duy nhất được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học quân sự Nga, trên thế giới cũng chưa có người nước ngoài nào được trao vinh dự này. Họ đãi ngộ, đài thọ để tôi nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh, nôm na là cách đánh trận, cách dùng công nghệ của Nga, vũ khí của Nga chiến thắng công nghệ, vũ khí của đối phương.

- Người Nga thật khéo “chọn mặt gửi vàng”, vì ông đã có thực tiễn bằng cả cuộc đời chiến trận, thêm đúc kết lý luận từ những năm tháng được tu nghiệp chính quy, bài bản ở nước ngoài?

- Ở chiến trường đương nhiên người lính phải làm chủ vũ khí khí tài, làm chủ được khoa học công nghệ. Mình đánh được B52 cũng là do cải tiến thành công các trang thiết bị có trong tay. Điều này thì người Việt Nam mình cừ lắm, sáng tạo lắm, từ vũ khí này ta rất giỏi biến thành cái khác hợp với hoàn cảnh và yêu cầu của ta. Chúng ta luôn có thế mạnh, ấy là mưu kế và thế trận, thắng nhờ thế và thời. Bác Hồ từng nói rồi, “gặp thời một tốt cũng thành công”. Lịch sử đã chứng minh, trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, mình lúc nào cũng phải đối đầu với những kẻ thù mạnh hơn mình, nhưng ngược lại bao giờ mình cũng chiến thắng. Đơn giản bởi người Việt Nam vốn quật cường, thông minh và cái mà kẻ thù sợ nhất là chúng ta đã xây dựng vững chắc thế trận trong lòng dân. Trận địa đã nằm trong trái tim của người ta rồi thì không thế lực nào xóa bỏ nổi.

-18 tuổi xung phong ra chiến trường, một cậu học trò thuần phác chưa hề qua trường lớp quân sự, vậy lấy kiến thức đâu để ông có thể áp dụng được khoa học kỹ thuật vào từng trận đánh?

- Theo tôi mỗi một con người đều phải trải qua không chỉ trường lớp mà còn trường đời. Trường lớp dạy những kiến thức cơ bản, trường đời giúp sàng lọc đúc kết những vấn đề thực tế rồi biến nó thành kinh nghiệm của chính mình. Tôi đã tự học, tự đào tạo mình ngay trong môi trường chiến trận.

- Mọi người nói rằng, ông là một trong những trường hợp đặc biệt của quân đội, một vị tướng đã đi lên từ lính trơn?

Tôi nhập ngũ năm 1965. Lúc đầu tôi được điều về Quân khu 4 rồi chiến trường Bình Trị Thiên, nơi có thành cổ Quảng Trị lừng lẫy một thời. Tháng 4 năm 1975, khi tiến công vào Sài Gòn tôi mới là Trung đoàn trưởng. Cùng đợt đi lính với tôi ở quê (Hải Hậu - Nam Định) có 153 người. Giờ chỉ còn lại 23. Lần họp mặt đồng đội cũ gần đây, chợt nhìn lại hóa ra tôi đang là người trẻ nhất, ít tuổi nhất trong số này.

-Ông lúc nào cũng hướng về Quảng Trị bởi nếu không có Quảng Trị sẽ không có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu?

- Cũng không biết thế nào, mọi chuyện còn do số phận. Nhưng chiến trường Quảng Trị đã lưu giữ những tháng năm đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của tôi. Riêng vùng đất này đã có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Đường 9 và Trường Sơn. Thực tế còn rất nhiều những nghĩa trang không tên, rất nhiều đồng đội của tôi vẫn đang nằm rải rác trên các bìa rừng, các khe suối cạn, cửa biển khô cằn hay ngay tại Thành cổ mà chưa quy tập được. Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, khả năng tìm kiếm đồng đội tôi là khó. Họ đã thành cỏ cây, hoa lá, hóa thân vào không khí, đất đai hết. Tôi đề xuất ý tưởng xây dựng tượng đài Hoài niệm ở Quảng Trị, làm ngôi mộ chung cho những đồng đội, và cả đồng bào chưa tìm thấy thân xác sau chiến tranh. Một địa chỉ để cả người phía bên kia cũng có thể tìm về nghiêng mình tưởng nhớ. Tượng đài Hoài niệm đã khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris.

- Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngay tại điểm nóng Quảng Trị?

- Đấy là năm 1972. Tôi được đề nghị từ năm 1968, tuy nhiên khi xét lý lịch thì gia đình tôi thuộc thành phần trung nông lớp trên nên lãnh đạo động viên cứ phấn đấu tiếp. Thời kỳ đó trở thành Anh hùng khó lắm, phải do chính đồng đội vinh danh, lựa chọn. Anh có đánh trận giỏi, nhiều thành tích mà không khiêm tốn cũng không đủ điều kiện. Tôi 23 tuổi là tiểu đoàn trưởng, 25 tuổi thành trung đoàn trưởng, 38, 39 tuổi đã lãnh đạo sư đoàn và 40 tuổi được phong tướng, thuộc diện tướng trẻ nhất của quân đội thời điểm ấy. Ra trận chả ai nghĩ mình sẽ trở thành Anh hùng, trở thành tướng đâu. Có điều tôi ngay từ khi khoác lên mình bộ quân phục đã luôn tâm niệm, phải làm sĩ quan và sống sao cho xứng đáng với dòng họ mình.

- Ông nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở cương vị ấy ông có thể tác động để tạo ra các chính sách hợp với thực tế hơn cho các đồng đội kém may mắn của mình?

- Có chứ, tôi có đề xuất nhưng không phải vấn đề nào cũng được giải quyết thỏa đáng. Với lại chúng ta có làm bao nhiêu cũng khó bù đắp nổi những hy sinh mất mát. Hiện tại, có 42.000 người chết, 62.000 bị thương vì bom mìn vật nổ sau chiến tranh. Đến 300 năm nữa chúng ta cũng không giải quyết xong bom mìn kẻ thù gài lại. Nhà nước cần lên tiếng, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp, hợp tác làm giảm nguy cơ ô nhiễm bom mìn chứ một mình quân đội âm thầm làm thì chết dần chết mòn thôi. Bằng nỗ lực của cá nhân tôi và nhiều cấp ngành khác suốt 10 năm qua, hiện chúng ta đã ra được một chương trình hành động cho nạn nhân bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh.

- Có bao giờ ông cảm thấy bất lực do vướng cơ chế?

- Phải nói thế này, mọi đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn đúng, luôn rất tốt nhưng nhiều khi những người thừa hành, tham mưu làm chưa tốt cho nên chế độ chính sách bị ách tắc, chưa kể các khâu trung gian còn nhũng nhiễu, tiêu cực, vì lợi ích cá nhân mình hơn là quyền lợi của đối tượng chính sách. Vì cơ chế mà quyền hạn của tôi ngay cả lúc còn đương chức cũng có khi không tác động được.

-Giả dụ bây giờ đất nước ta bị họa ngoại xâm, lòng yêu nước của nhân dân ta có còn như trước?

- Còn chứ, tôi chắc chắn. Lòng yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm được đúc kết từ ngàn đời cộng thêm nền tảng văn hóa mà không một sức mạnh nào có thể đồng hóa được luôn là chỗ dựa cho dân tộc ta trước cơn nguy biến. Trong thời bình còn chuyện này chuyện kia, chỗ này chỗ khác, sự phân hóa giàu nghèo sâu rộng hơn, kể cả vấn nạn tiêu cực tham nhũng, niềm tin có thể không được nguyên vẹn như xưa, nhưng khi đất nước lâm nguy, họa ngoại xâm lơ lửng, mỗi con người lại gạt đi nỗi niềm riêng, bỏ qua mọi mâu thuẫn, vì non sông gấm vóc, vì mục đích chung. Khối đại đoàn kết dân tộc lại phát huy hết sức mạnh tiềm tàng và Việt Nam vẫn đủ sức đánh bại mọi kẻ thù trong bất kỳ tình huống nào...

- Nhưng nói chung là không nên có chiến tranh?

- Đúng vậy. Chúng ta phải thực hiện hoàn hảo công tác trong thời bình bằng việc chuẩn bị chu đáo cho chiến tranh. Phòng thủ tốt sẽ đẩy lùi được nguy cơ chiến tranh ra khỏi bờ cõi. Đất nước mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và có chế độ chính sách thỏa đáng cho người có công, làm nên sự gắn kết giữa con người với nhau, xây dựng niềm tin trong cộng đồng thì không kẻ thù nào dám lân la bén mảng. Ví như các đội tàu đánh cá cần được đầu tư trang bị hiện đại hơn, có tàu hậu cần phục vụ, tàu thu mua túc trực, để ngư dân yên tâm đi đánh bắt dài ngày. Mỗi một ngư tàu sẽ là một tấm bia chủ quyền di động trên Biển Đông, xác định vị thế bất khả xâm phạm của Tổ quốc ta trên Thái Bình Dương. Tôi tin người Việt Nam đều có lòng tự tôn dân tộc, ai động đến đất nước là động đến người thân, gia đình, dòng họ. Có căm thù giặc, yêu nước và hãnh diện về giống nòi, thì mới có những cá nhân như Anh hùng Vũ Xuân Thiều lao thẳng máy bay vào B52, không bắn được thì sẵn sàng quyết tử với kẻ thù.

- Ông tới thời điểm này, tự vấn lại đã hài lòng với cuộc đời mình?

- Tôi không có gì phải băn khoăn tiếc nuối. Tôi là một người lính, một nhà khoa học, cả khi về hưu tôi vẫn làm khoa học. Gia đình tôi không thuộc diện giàu có vật chất, nhưng rất giàu có về đường học vấn. Vợ tôi, con trai, con gái, con dâu, con rể đều từng du học nước ngoài và có sự nghiệp riêng. Giờ có thời gian, có tiền bạc, tôi lại tìm về chiến trường xưa, tìm về gia đình đồng đội cũ để tri ân những người đã giúp mình, vùng đất đã đồng cam cộng khổ với mình trong những tháng năm quân ngũ. Tôi sống không chỉ cho mình mà còn thay phần cả các đồng đội đã nằm xuống.

- Chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, minh mẫn cùng tinh thần lạc quan để tiếp tục cống hiến cho cuộc đời.

 

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

 

 

 

Các tin khác