Ban liên lạc truyền thống E27 qua báo chí

 

Ban biên tập website trân trọng giới thiệu bài viết chuyện về bức “mật đồ” của PV Bá Sơn báo CCB thành phố Hồ Chí Minh và má Sáu Ngẫu của PV Minh Ngọc báo Sài Gòn giải phóng. Nhân kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2013 và 45 năm thành lập Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải anh hùng).

 

Chuyện về bức “mật đồ”

 

Đã trở thành thông lệ vào dịp tháng 4 hàng năm Ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải Anh Hùng) tổ chức những chuyến đi “Về thăm chiến trường xưa”, năm nay cũng không ngoại lệ các CCB Trung đoàn tổ chức buổi họp mặt tại ngôi nhà cách nay 38 năm vào ngày 28/4/1975 đơn vị nhận được bức “mật đồ” của chính gia chủ là cơ sở Cách mạng trao cho lãnh đạo Trung đoàn và kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trung đoàn 27.

Hôm nay họp mặt ngoài việc thăm hỏi, động viên nhau vượt qua những khó khăn của sống hiện tại… và ôn lại truyền thống một thời oanh liệt của Trung đoàn, đặc biệt các CCB vẫn nhớ như in trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cánh quân tiến về từ hướng Đông Bắc vào thành phố Sài Gòn là Sư đoàn 320 B, trong đó Trung đoàn 27  là đơn vị thọc sâu mở đường từ Tây nguyên về Bình Phước, theo Quốc lộ 13 tiến về Sài Gòn, đơn vị vừa hành quân vừa đánh địch mở đường đi tới. Chiều ngày 28/4/1975 Trung đoàn về đến phường An Thạnh thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương được lệnh dừng quân để bắt liên lạc với cơ sở của ta ở đây để vừa nắm tình hình của địch vừa có giao liên dẫn đường. Sau khi làm “thủ tục” bắt liên lạc bằng mật khẩu hai bên đã nhận ra cơ sở là nhà bà Huỳnh Thị Sáu (tự Sáu Ngẫu).

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 27

tặng quà kỷ niệm cho chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ người giao liên dẫn đường năm xưa.

Như chạy đua với thời gian Trung đoàn Trưởng Nguyễn Huy Hiệu trải tấm bảng đồ quân sự lên bàn nhờ bà Sáu chỉ dùm đường nào tiến về Sài Gòn nhanh nhất… bà trả lời không biết và bỏ vào nhà trong mọi người ai cũng ngở ngàn chẳng hiểu chuyện gì, khi quay ra trên tay bà cầm tờ giấy trải ra đó là bức “mật đồ”do bà tự vẽ từ đường ngang lối tắc, cầu cống, đồn bót, cách bố trí của địch thế nào, quân số mỗi chốt bao nhiêu , hỏa lực gì…nói chung bà Sáu vẽ rất tỉ mỉ từng chi tiết. Khi mọi người đã hài lòng với bức mật đồ bà Sáu liền phân công chị Nguyễn thị Ngọc Mỹ làm nhiệm vụ dẫn đường đi cùng xe tăng với Trung đoàn Trưởng Nguyễn Huy Hiệu vừa đánh vừa tiến. Có thể nói bức “mật đồ” của bà Sáu Ngẫu đã giúp Trung đoàn nắm chắc tình hình tạo thế chủ động tiến công đánh địch để mở đường đi tới. Năm 1989 Bà Huỳnh Thị Sáu qua đời trên mộ bia ghi rõ: “Đại đoàn đồng bằng. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Triệu Hải ghi nhớ công ơn Má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho mũi thọc sâu cánh Bắc Sài Gòn 30/4/1975”.

Đã 38 năm qua và năm nào cũng vậy các CCB Trung đoàn 27 tổ chức họp mặt, viếng nghĩa trang Liệt sĩ thắp nén nhang cho những đồng đội nằm ở đây và thăm gia đình Má Sáu Ngẫu như tỏ lòng tri ân với người có công lao giúp đỡ Trung đoàn góp thêm thắng lợi trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.  

Bài, ảnh Bá Sơn

 

 

Má Sáu Ngẫu       

        

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thượng tướng, Viện Sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các CCB Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng đều trở về thăm bà má Huỳnh Thị Sáu, tức Sáu Ngẫu - người má miền Nam đã trao tấm bản đồ chỉ đường cho bộ đội ta tiến vào tham gia giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vị tướng bồi hồi kể lại:

Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu (bìa phải) bên cạnh mộ của má Sáu Ngẫu.

Thực hiện mệnh lệnh tấn công thần tốc, táo bạo nhằm đập tan tuyến phòng thủ của địch ở phía Bắc Sài Gòn để mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, đêm 29-4-1975, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải anh hùng), thuộc Sư đoàn 320B, nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 do tôi là Trung đoàn trưởng chỉ huy và đồng chí Trịnh Văn Thư chính ủy đã tiến đến vùng Búng Bắc Lái Thiêu để chuẩn bị tiến công vào cửa ngõ Sài Gòn theo trục đường 13 hay còn gọi là đường Đại Hàn, qua Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình đánh chiếm Gò Vấp lục quân công xưởng. Lúc đó, tôi không khỏi băn khoăn vì hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đều chưa một lần đến Sài Gòn, không nắm rõ đường đi lối lại trong nội đô Sài Gòn, trong khi thời gian tiến đánh các mục tiêu tính từng phút. Tôi hội ý nhanh với Chính ủy Trịnh Văn Thư và quyết định cùng tổ trinh sát đi bắt liên lạc với cơ sở cách mạng. Lúc đó anh Sáu Châu là Huyện đội phó Huyện đội Lái Thiêu đã dẫn chúng tôi băng qua khu nghĩa địa tiến vào làng.  

Ngày đó vùng Búng Lái Thiêu còn thưa vắng, có căn nhà lá đơn sơ le lói ánh đèn như để làm tín hiệu. Như có linh tính mách bảo chắc chắn đây là cơ sở cách mạng của ta, một chiến sĩ gõ vào vách lá và nói mật khẩu chiến dịch: “Hồ Chí Minh”, trong nhà đáp: “Muôn năm”. Khi nhận đúng mật khẩu, một bà má miền Nam tên là Sáu Ngẫu ra mở cửa đón chúng tôi vào nhà. Tôi nhờ má chỉ vào tấm bản đồ chỉ huy, má nói má không rành, để má vào nhà lấy bản đồ Đô thành Sài Gòn mà má đã ghi rõ địa hình, tình hình địch và đường vào Sài Gòn. Nhờ má ghi chép rất chi tiết, đánh dấu cụ thể từng địa điểm nên nhìn qua bản đồ rất dễ so sánh với thực địa. Má bảo đây là tấm bản đồ má cất giữ bao nhiêu năm để chờ ngày quân giải phóng đến trao, nay ước mơ đó thành hiện thực, má rất vui…

Trải rộng tấm bản đồ dưới ánh đèn dầu, má Sáu chỉ cho chúng tôi từng trục đường, từng vị trí đóng quân của địch và cho biết rõ tình hình, vị trí nào kiên cố có dây kẽm gai, chướng ngại vật, bị gài mìn... Má còn tình nguyện cùng hai con nhỏ tham gia dẫn đường cho đoàn quân giải phóng, nhưng vì thấy má tuổi cao sức yếu, các em còn nhỏ nên chúng tôi chỉ biết nghẹn ngào cảm ơn má và đề nghị anh Sáu Châu và chị Hai Mỹ dẫn đường. Trước khi chia tay, má “tham mưu” thêm, Trại Huỳnh Văn Lương (trường hạ sĩ quan ngụy) hiện có khoảng 2.000 quân, ta chỉ cần kêu gọi chúng đầu hàng, không cần đánh để tránh thương vong cho cả hai bên để dành thời gian tiến quân vào Sài Gòn. Trước giờ xuất kích, chúng tôi hẹn má: “Sau khi giải phóng xong Sài Gòn, chúng con sẽ quay lại thăm má và bà con…”.

Nhờ có tấm bản đồ chỉ đường của má nên quân ta nắm rõ được tình hình địch và nhanh chóng thọc sâu vào cầu Vĩnh Bình, kêu gọi lính tại Trung tâm huấn luyện ở Huỳnh Văn Lương đầu hàng, nhanh chóng đánh chiếm các cây cầu có vị trí chiến lược quan trọng như Lái Thiêu, Bình Phước, Vĩnh Bình…;  đánh vào các mục tiêu trọng yếu của địch… Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, người dân hân hoan mừng chiến thắng, cả dân tộc như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Chính giờ phút ấy, chúng tôi nhớ đến má, nhờ có tấm bản đồ chỉ đường của má mà đoàn quân giải phóng đã tiến nhanh, giảm nhiều thương vong góp phần vào thắng lợi chung.

Sau giải phóng, tôi và một số anh em Trung đoàn 27 trở về thăm má. Dưới mái nhà đơn sơ, trong niềm vui bất tận của cả dân tộc, má ôm chặt những chiến sĩ giải phóng quân vào lòng với tấm lòng biết ơn vô hạn vì đã góp phần giải phóng quê hương, trả thù cho má. Từ đó, má Sáu Ngẫu trở thành người má thân yêu của Trung đoàn 27 anh hùng. Sau 38 năm giải phóng, giờ đây vùng căn cứ cách mạng năm xưa đã đổi thay rất nhiều, nhà cửa mọc lên san sát, đường sá khang trang, chỉ có tấm lòng người dân dành cho bộ đội Cụ Hồ vẫn thủy chung son sắt. Năm nào chúng tôi cũng về thăm má, kể cả khi má đã không còn nữa, chúng tôi vẫn trở về dâng hương tưởng nhớ người mẹ miền Nam anh hùng bất khuất.

 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu 
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

Minh Ngọc ghi

 

 

Các tin khác