Bà má miền Nam trong ký ức Tướng Hiệu

 

                                                                                                  Nguyễn Thị Kim Hoa

 

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và đoàn Cựu chiến binh Ban LLTT Trung đoàn 27 tại TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ cùng lãnh đạo địa phương dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ Bình Dương và mộ má Sáu Ngẫu tại Lái Thiêu ngày 05/04/2013.

      Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày khánh thành Bảo tàng tỉnh Phú Yên (03-02-2013) rất nhiều lãnh đạo tỉnh Phú Yên nhắc tới Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Nhờ có Thượng tướng, Bảo tàng Phú Yên có những hiện vật: Hai máy bay, hai xe tăng, một pháo trưng bày. Rất nhiều lần tôi muốn nói lời cảm ơn Thượng tướng, bởi trên thực tế trưng bày những hiện vật thể khối lớn thu hút khách thăm quan, giáo dục lòng yêu Tổ quốc cho các thế hệ. Dịp may đến, ngày 09-04-2013, tôi được gặp Thượng tướng tại văn phòng Viện sỹ. Nghe tôi cám ơn, Thượng tướng nói mộc mạc, giản dị, chất phác: Ngày ấy, tôi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi lãnh đạo Phú Yên đặt vấn đề xin các hiện vật về trưng bày Bảo tàng tôi ủng hộ ngay. Không chỉ giúp Phú Yên mà tôi còn chỉ đạo anh em giúp đỡ rất nhiều Bảo tàng khác. Những hiện vật của đối phương có mặt ở Bảo tàng các đồng chí là tiếng nói cụ thể, đầy đủ, thể hiện sự ác liệt trong các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta. Trưng bày vũ khí và các phương tiện chiến tranh của quân đội Mỹ ở Bảo tàng không nhằm mục đích giới thiệu, đề cao tiềm năng quân sự của Mỹ mà là minh chứng cụ thể nhất, rõ ràng nhất, chính xác nhất về tội ác đẫm máu của đế quốc Mỹ tại chiến trường miền Nam một thời máu lửa. Chính quyền và quân đội Mỹ đã xem chiến trường miền Nam là nơi thử nghiệm và tiêu thụ vũ khí do Mỹ và các nước khác sản xuất. Mỗi một hiện vật của quân đội Mỹ ở Bảo tàng là một bằng chứng sống tố cáo tội ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Những hiện vật đó rất cần thiết để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau hiểu về cuộc chiến của chúng ta.

      Mắt nhìn rất xa xăm, Thượng tướng nói tiếp: Vợ chồng tôi và anh em trong Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng mới đi Lái Thiêu (Bình Dương) về. Hàng năm, cứ đến mùa báo ân tháng 4 là gia đình tôi và đồng đội tôi lại về Lái Thiêu thắp nhang ở nghĩa trang tỉnh Bình Dương và ở mộ má Sáu Ngẫu và đồng đội ở Lái Thiêu. Ba mươi tám năm đã qua, nhưng tất cả trong tôi vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn tôi được giao nhiệm vụ đánh mũi thọc sâu từ cánhBắc theo trục đường 13 chiếm cầu Vĩnh Bình và các cây cầu trọng yếu, bằng mọi giá phải mở được cánh cửa phía Bắc để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ngày đó, tôi hai tám tuổi, bên tai tôi luôn luôn văng vẳng mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. (Điện mật đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi các đơn vị tham gia Tổng tiến công năm 1975). Bước đi thần tốc của Trung đoàn, đưa chúng tôi đến Búng bắc Lái Thiêu, tổ trinh sát cùng đồng chí Sáu Châu đi tìm cơ sở cách mạng ở Búng, qua nghĩa trang và bìa rừng phát hiện ngôi nhà nhỏ có ánh đèn dầu, tổ trinh sát tiến vào, một bà má từ trong ra mở cửa, anh em trinh sát phát tín hiệu “Hồ Chí Minh: đáp lại là Muôn năm, đúng là cơ sở cách mạng rồi, Tôi và anh Trịnh Văn Thư chính ủy bước vào nhà, má mừng lắm, sau đó má tự giới thiệu má tên là Sáu Ngẫu, chồng má tên là Hai Nhương bị kẻ thù đầy đi giam ở nhà tù và đã hy sinh, mà vừa dạy học vừa nuôi hai em, em Phước 17 tuổi, con gái, em Đức 14 tuổi con trai, nhiệm vụ các anh giao cho má là nắm tin tức trong lòng địch, ghi lại địa điểm của địch ở Sài Gòn, khi có bộ đội giải phóng vào nói đúng mật hiệu, nhận đúng ám hiệu thì giúp đỡ bộ đội.

      Dạ thưa má con là Phong (mật danh của trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu). Cấp trên lệnh cho đơn vị con nếu tìm gặp được cở sở cách mạng thì đề nghị giúp đỡ, má nhìn tấm bản đồ chỉ huy của tôi trải dưới ánh đèn dầu, mà nói mà không rành. Má chạy vào nhà một lát rồi đưa một tấm bản đồ, má trải ra rồi nói với Tôi và đồng chí Trịnh Văn Thư chính ủy trung đoàn. Đây là tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn, tấm bản đồ này chồng má giữ từ năm 1961, chỉ tay vào tấm bản đồ má đã ghi rất chi tiết má nói:

      Đây là vị trí trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nơi này kẻ địch tập trung gần 2000 lính ngụy. Bọn này án binh bất động, tinh thần rệu rã lắm rồi. Các con không nên đánh mà nên kêu gọi bọn chúng ra hàng.

     Tiếp tục đưa bút, rà trên tấm bản đồ, má nói: Không cần đánh địch ở căn cứ Lái Thiêu, các con phải nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình theo trục đường 13 mà địch gọi là đường Đại Hàn để nhanh chóng chiếm lục quân Công Xưởng và Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy ở Gò Vấp - Sài gòn để đề phòng địch phản công. Địa điểm này là vị trí để các con đánh chiếm.

      Chữ má viết rất đẹp, má trình bày nội dung gãy gọn, khúc chiết, dễ hiểu. Tôi rất xúc động khi nghe má nói: Má trao tấm bản đồ này cho con để con chỉ huy trận đánh. Má và em Phước, em Đức sẽ đi cùng các con, má dẫn đường để các con đánh, đường đi lối lại ở đây má biết.

       Tôi thưa với má: Dạ thưa má! Má già rồi, em Phước và em Đức còn nhỏ, má để Sáu Châu và Hai Mỹ cùng ngồi trên xe tăng dẫn đường. Em Đức  lo lắng nói, mấy anh đi hết, mai tụi nó lại đây bắt má em thì sao? Tôi trấn an Đức : Em yên tâm đi, ngày mai các anh sẽ về thăm má và hai em. Quay sang má, tôi nói: Con đi nghe má, đánh giặc xong chúng con sẽ đưa anh em về thăm má, thăm em và bà con.

        Nhờ sự chỉ dẫn của má, Trung đoàn tôi đã nhanh chóng thọc sâu qua Lái Thiêu bức hàng trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Ngay trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30-4-1975, địch cản đường tấn công của ta. Cuộc chiến đấu tại cầu Vĩnh Bình diễn ra rất ác liệt.

        Đại đội trưởng hoang Thọ Mạc đã dùng xe tăng của mình bắn cháy 3 xe tăng địch, xe bị hỏng đồng chí xuống xe cùng tổ B41 bắn cháy tiếp các xe địch và Hoàng Thọ Mạc bị thương, một chiến sỹ cũng bị thương, Hoàng Thọ Mạc  lấy thân mình che cho chiến sỹ và đã hy sinh.Tôi quyết định đưa đồng chí Hoàng Thọ Mạc  và chiến sỹ lên xe tăng cùng tiến vào Sài Gòn để các đồng chí chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam. Đến khoảng 9h30 phút mũi thọc sâu của trung đoàn đã chiếm toàn bộ khu gò Vấp lục quân công xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng hòa.

       Sau đó cùng đơn vị  bạn đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau chiến dịch đồng chí đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau đó Tôi cùng anh Trịnh Minh Thư chính ủy và anh em và Trung đoàn Triệu Hải về Lái Thiêu thăm má Sáu Ngẫu, em Phước, em Đức, cô Hai Mỹ, anh Sáu Châu và bà con…Em Đức ôm lấy tôi hỏi: Anh ơi, anh Hoàng Thọ Mạc đâu rồi mà em không thấy. Anh hẹn mai anh về thăm em, tôi nói với Đức trong nước mắt. Anh Hoàng Thọ Mạc đã anh dũng hy sinh trước giờ thắng lợi, nghe Đức nói, tôi không nguôi nỗi tiếc nhớ lòng quý dân, thương lính của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc.

         Má Sáu Ngẫu và bà con ở Lái Thiêu chờ tôi và Trung đoàn Triệu Hải trở về. Má chuẩn bị sẵn trái sầu riêng, trái măng cụt, trái lêkima để cho tôi và anh em trong Trung đoàn ăn cho biết trái cây miền Nam. Má hiền thảo và tinh tế lắm. Nhìn anh em ăn trái Lê Ki Ma mà ở miền Bắc gọi là trái trứng gà ngon lành, cứ đến mùa Lê Ki Ma là má chọn những trái Lê Ki Ma vàng ươm, chín nở tròn đều như cái bánh bò ,bánh thuẫn ở vùng đất Lái Thiêu cất trong lu, để dành chờ chúng tôi về. Nhìn trái Lê Ki Ma của má để dành rất đẹp, nhiều lúc tôi tiếc không muốn ăn. Má thương tôi như con .Tự trong trái tim mình, tôi mang ơn má. Nhờ có má, trung đoàn của tôi giảm được thương vong. Tôi hứa với lòng mình: Tôi ước má sống lâu, để tôi có thời gian dài thương yêu, chăm sóc má. Vậy mà, ngày tôi đi công tác nước ngoài, ở nhà má trốn tôi, lâm trọng bệnh rồi mất. Má mất rồi, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy có má ở bên cạnh, có má đi cùng tôi trong cuộc đời rộng lớn này. Mộ má bây giờ được Trung đoàn 27 cùng gia đình xây đẹp lắm. Năm 2007 tôi trồng một cây bồ đề bên cạnh mộ má. Cây bồ đề bây giờ tỏa bóng mát sum sê. Những đồng chí, đồng đội của tôi nằm lại tại Lái Thiêu sum vầy bên má. Trong tôi, má Sáu Ngẫu, Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc và đồng đội của tôi không bao giờ mất, vùng đất Lái Thiêu còn, má Sáu Ngẫu , Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc và đồng đội của tôi luôn luôn ở trong trái tim tôi. Tình cảm của Thượng tướng, viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu giành tặng má Sáu Ngẫu rất đỗi thiêng liêng. Thượng tướng trân trọng, nâng niu, quý mến, thân thiết với má Sáu Ngẫu như máu thịt. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi với những đóng góp đặc biệt xuất sắc của ông ở mặt trận Quảng Trị.

        Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị là Trung đoàn trưởng, ông đã chỉ huy Trung đoàn 27 anh hùng đánh mũi thọc sâu đập tan tuyến tử thủ phía Bắc Sài Gòn cùng các mũi khác và lực lượng vũ trang địa phương tiến vào giải phóng Sài Gòn. Chức tước chưa hề làm vẻ vang cho con người, chỉ có con người làm vẻ vang cho chức tước, vẻ vang cho trọng trách. Thượng tướng, viện sĩ, tiến sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu là một trong những nhân vật tiêu biểu đang góp phần quan trọng trong bề dày và tầm cao của lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đương đại.

         Nhìn vào diễn trình lịch sử của Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, Quân đội ta, nhân dân ta, Đảng ta tự hào về quân đội nhân dân Việt Nam và Thượng tướng, người con của quê hương Hải Hậu, đậm đặc truyền thống văn hóa của đồng bằng sông Hồng. Hai mươi năm gian khổ chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu đã kiên trung, gan dạ, quyết đoán ở những chiến trường nóng bỏng đánh cho kẻ thù kinh hoàng bạt vía . Ba mươi tư tuổi ông đã được phong hàm Đại tá, giữ chức Đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng Bằng; Ở tuổi bốn mươi ông đã được phong tướng và là một trong những vị tướng trẻ nhất thời điểm đó. Bốn mươi tám năm trong cuộc đời binh nghiệp với những trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng đã có nhiều đóng góp đặc biệt xuất sắc về nghiên cứu nghệ thuật quân sự; ngoại giao quân sự, phương châm bốn tại chỗ; giải quyết hậu quả chiến tranh, quân đội và chiến lược bảo vệ môi trường… Với những công trình nghiên cứu khoa học đích thực về nghệ thuật chiến tranh ông là người nước ngoài đầu tiên được Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga bầu là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự về Nghệ thuật chiến tranh.

 Gần năm mươi năm qua rất nhiều thế hệ cách mạng được Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu dìu dắt, giúp đỡ, trưởng thành. Những nét đẹp tiềm ẩn trong cốt cách, tinh thần của Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: trọng tình nghĩa, nhân hậu, vị tha, chất phác, mộc mạc, giản dị, gần gũi, thương lính, quý dân… mãi mãi là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Các thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên hôm nay, mãi mãi trân trọng, phát huy những di sản tinh thần vô giá của Quân đội Nhân dân Việt Nam và của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu.

 

 

 

 

Các tin khác