THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM "BỐN TẠI CHỖ" TRONG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2012

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Bất cứ làm việc gì cũng phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, sức mạnh là ở trong dân”. Vì vậy, kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó thảm họa thiên tai, bão lũ ở Việt Nam là phải biết tổ chức, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia tích cực vào tất cả các khâu trong quá trình ứng phó.

Từ kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường, những cuộc chiến đấu trong thời bình với thiên tai, bão lũ và sau trận lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong nhiều năm công tác được Chính phủ và Bộ Quốc phòng phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất phương châm "Bốn tại chỗ" là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ. Từ đó đến nay, kết quả phòng chống thiên tai ở các địa phương đã chứng minh rằng, nơi nào chuẩn bị và thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ", nơi ấy giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản.

Ở Khánh Hòa, tuy khí hậu tương đối ôn hòa, ít phải hứng chịu những cơn bão trực tiếp nhưng với địa hình sông, suối có độ dốc cao, nên khi có bão kèm theo mưa lớn sẽ làm nước dâng lên nhanh chóng dẫn đến lũ lụt xảy ra trên diện rộng. Để kịp ứng phó thảm họa thiên tai và thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, trong những năm qua, tỉnh đã vận dụng tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các sở ban ngành làm tham mưu, trong đó lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt tham mưu kế hoạch ứng phó”, phát huy tác dụng và hiệu quả của phương châm "bốn tại chỗ", nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lụt, thiên tai và các sự cố, tai nạn xảy ra.

Trước những khác thường của thời tiết, mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn được các cấp, các ngành, các địa phương hết sức quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch đối phó, trong đó tập trung:

Tổ chức theo dõi, kiểm tra đôn đốc và diễn tập phương án phòng, chống lụt, bão đến tận cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, vùng trọng điểm lũ lụt, vùng đang có nguy cơ bị sạt lở... Mặt khác, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước trên địa bàn; theo dõi, điều tiết nước; lập kế hoạch chi tiết cứu hộ hồ đập khi có sự cố và an toàn cho vùng hạ du.

Căn cứ kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2012 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, xã, thành phố, các đơn vị chủ rừng chủ động thực hiện đúng các quy định: Củng cố, kiện toàn BCH, tổ bảo vệ rừng; phân công trực PCCCR 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn thiết bị và công cụ, phương tiện chữa cháy trong những ngày thời tiết hanh khô.

Yêu cầu lãnh đạo thực hiện tốt chế độ trực chỉ huy khi có thiên tai, bố trí lực lượng chuyên môn sẵn sàng thực hiện triển khai, sơ tán dân ra khỏi những vùng nguy hiểm. Củng cố hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống dự báo, cảnh báo cho toàn thể nhân dân thường xuyên  được biết. Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động đánh bắt hải sản trên biển cần tiến hành vận động, tuyên truyền về sự cần thiết phải trang bị kiến thức phổ biến về thông tin liên lạc trên biển cho ngư dân vùng biển: Cách thu bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo khí tượng và sử dụng thông tin liên lạc khi có sự cố trên biển; phương pháp sử lý các vấn đề kỹ thuật của các thiết bị máy thu phát MF/HF; quy định của pháp luật liên quan đến việc xử dụng thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá; bảo đảm đầy đủ các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tai nạn tàu thuyền đối với ngư dân và chủ các tàu cá, phải coi đây là điều kiện bắt buộc đối với người và tàu, thuyền khi ra khơi đánh bắt hải sản. Thành lập các Tổ ngư dân Đoàn kết sản xuất trên biển để cùng hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn nhau khi gặp thiên tai.

Thực hiện nghiêm quy định của Pháp lệnh Phòng, chống lụt: Cấp dưới phải chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp trước với cấp trên về việc xây dựng đề án, huy động các nguồn lực, chủ động bố trí sắp xếp lại dân cư của địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai bão, lụt, động đất, sóng thần và các sự cố thiên tai khác xảy ra trên địa bàn mình.

Phối hợp với lực lượng vũ trang trong tỉnh và các đơn vị quân đội của Bộ, Quân khu đóng quân trên địa bàn hiệp đồng tác chiến, sẵn sàng cơ động ứng cứu làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn bảo vệ tài sản của nhân dân. Đặc biệt, khi thiên tai xảy ra, các địa phương phải chủ động đối phó và khắc phục hậu quả theo phương châm "bốn tại chỗ", "tự quản tại chỗ", mỗi gia đình phải dự phòng lương thực, thực phẩm, chất đốt trong mùa lụt, bão. Đồng thời, có giải pháp khẩn cấp để đối phó với bão, lũ cùng xảy ra dồn dập, liên tiếp với sức tàn phá lớn... Tổ chức tốt công tác thăm hỏi, động viên, quyên góp, tặng quà khi thiên tai, thảm họa xảy ra, không để người dân nào bị đói rét, đúng với đạo lý của người Việt Nam “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

 

                                                                                        Nguyễn Thị Thanh Hường

 

 

Các tin khác