Bài viết nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2012

 

CHIẾC ĐỒNG HỒ ĐEO TAY

PHẦN THƯỞNG CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

 

                                                                                  PHAN CAO THÔNG

 

Sau khi Hiệp định về hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Pari, tại chiến trường Quảng Trị đã diễn ra Hội nghị mừng công của Trung đoàn 27 anh hùng. Một trung đoàn có những người lính dũng cảm và những vị chỉ huy can trường, mà có người sau này đã trở thành những tướng lĩnh cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, như Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu và Trung tướng  Phạm Minh Tâm - Tư lệnh Quân đoàn II. Trong hội trường dã chiến đơn sơ là những chiến sĩ nổi tiếng gan dạ của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong số những người được khen thưởng hôm đó, có anh Nguyễn Viết Mão hiện đang sống ở phường Phú Thủy Thành phố Phan Thiết. Phần thưởng mà anh được nhận ngày ấy là chiếc đồng hồ đeo tay SenKo và nó đã theo anh cho đến tận bây giờ.

Ảnh 1: Chiếc đồng hồ SenKo cùng Giấy chứng nhận khen thưởng ngày 16/6/1973.

Câu chuyện đã diễn ra  gần 40 năm về trước, mà hôm nay nhớ lại, anh Mão vẫn còn thấy như ngày hôm qua. Tại hội nghị mừng công hôm đó anh đã được mời lên đọc bản thành tích trong hai trận chiến đấu nổi tiếng, là trận đánh mở màn tại Thành cổ Quảng Trị mà một mình anh đã bắt sống 14 tên trong đó có viên Thiếu tá ngụy Hà Thúc Mẫn và trận đánh phản kích ngày 21/6/72 mà Đại đội anh Mão là đơn vị chủ công. Mỗi một cá nhân có thành tích đánh giặc xuất sắc đều được mời lên báo cáo như vậy. Đến phần khen thưởng hiện vật, anh được chủ tịch đoàn mời lên nhận chiếc đồng hồ SenKo có tấm giấy chứng nhận của đơn vị do Phó Chính ủy Trung đoàn 27 Phạm Anh Tuấn ký ngày 16/6/1973 ( ảnh). Trong số những người được khen thưởng hôm đó nay chỉ còn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Đại tá Võ Trọng Bảo hiện còn sống ở Học viện Đà Lạt. Phần thưởng cao nhất là chiếc đài Radio và người được vinh dự này chính là Anh hùng lực lượng vũ trang - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Ảnh 2: Anh Mão  với kỷ vật của mỉnh.

Sau khi chiến tranh kết thúc anh Mão trở về với cuộc sống đời thường và hàng năm vẫn cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa và thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn. Kỷ vật chiếc đồng hồ và tấm giấy chứng nhận ngày đó anh luôn luôn gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng của một thời đánh Mỹ. Anh bồi hồi nhớ đến những người bạn chiến đấu đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Quảng Trị và những vị chỉ huy can trường đầy bản lĩnh như Thượng tướng Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Đại tá Nguyễn Phúc Sinh, Đại tá Nguyễn Xuân Gứng và người bạn chiến đấu thân thiết Lê Bá Dương.  Ngoài lòng dũng cảm anh Nguyễn Viết Mão còn là một nhà thơ của Đại đội ngày đó. Nhiều bài thơ được anh viết vội vàng trên  vỏ bao thuốc lá  và được đồng đội chuyền tay nhau trong những chiến hào. Để rồi 40 năm sau khi gặp lại, nhiều bạn chiến đấu vẫn vui sướng  đọc thơ anh và họ đã ôm nhau khóc. Nhiều người bây giờ trong đó có cả tôi khi đọc thơ anh cũng phải lau nước mắt. Đó là những vần thơ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ, nhưng thấm đẫm tính nhân văn, giàu chất thơ và chan chứa tình người. Những bài thơ này đã được bạn bè đồng đội sưu tầm và đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in thành Tập thơ “ Mãi mãi một thời” mà tác giả Lê Thanh đã từng giới thiệu trên báo Bình Thuận. Và mới đây khi cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, đứng trước những đồng lúa lên xanh của mảnh đất Quảng Trị một thời máu lửa, anh đã viết những dòng thơ giàu cảm xúc: “ Đã lâu rồi - Bốn chục mùa thu. Các anh đã hóa thân mình vào đất. Ngàn năm sau sẽ biến thành trầm tích. Chỉ để lại tiếng thơm trên cõi đời này”.

Đó là một lời tri ân không chỉ của anh mà của tất cả chúng ta đối những người đã anh dũng hiến dâng cuộc đời mình cho non sông đất nước, để có được hòa bình thống nhất hôm nay.

 

 

Các tin khác