Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Một thời xông pha

 

Một thời xông pha

 

Đã vào tuổi xưa nay hiếm song cứ nhắc đến một thời cùng chiếc máy ảnh xông pha trên chiến trường, ông lại như trẻ lại.

                            

                            

NSNA Đoàn Công Tính giới thiệu những bức ảnh
chụp trong chiến tranh cho sinh viên Mỹ tại TPHCM.
(Ảnh nhỏ: PV chiến trường Đoàn Công Tính ở Trường Sơn).

 

- PV: Cơ duyên nào đưa ông đến với nghiệp phóng viên ảnh chiến trường?

Ông ĐOÀN CÔNG TÍNH:Nhập ngũ tại TP Nam Định tháng 9-1962, chưa đầy một năm sau, tôi có bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân trong mục “Ống kính chụp nhanh”. Bài chỉ có gần 300 chữ là một câu chuyện nhỏ có nội dung phê phán, giáo dục, với tôi là một hạnh phúc. Năm 1964, tôi được cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Ra trường, tôi được điều về Sư đoàn 350 Hải Phòng để huấn luyện và chỉ huy chiến đấu bảo vệ bờ biển. Lúc này, hành trang người lính của tôi có thêm chiếc máy ảnh (hiệu Zorky-6 của Liên Xô). Khác với chuyện viết bài, việc chụp ảnh của tôi rất khó khăn. Sau 3 năm kiên trì chụp, tráng, mới có 1 bức ảnh được đăng. Thế rồi ngày hạnh phúc đã đến, tôi được nhận làm phóng viên ảnh Báo Quân đội Nhân dân. Niềm vui đến bất ngờ, tôi đề nghị: Hãy cho tôi đi chiến trường miền Nam sớm. Mùa xuân năm 1970, tôi được cử vào chiến trường Quảng Trị. Để có tài liệu, tôi tìm mọi cách luồn sâu vào vùng căn cứ du kích thuộc 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Tôi đã chụp như không biết mệt rồi tráng phim dưới hầm, gửi về tòa soạn. Có lần nằm trong vùng giáp ranh, nghe đài phát thanh miền Bắc điểm báo nhắc đến những chùm ảnh của PV Huỳnh Tấn Công (bí danh của tôi) từ mặt trận Bắc Quảng Trị gửi ra, lòng tôi vui khôn tả. Sau 6 tháng sống với những người du kích, tôi trở về Hà Nội. Những hình ảnh nóng hổi từ mặt trận không những được Báo Quân đội Nhân dân mà các báo trong và ngoài nước cũng sử dụng. Tôi nhận được tình cảm yêu mến của bạn đọc và đồng nghiệp.

- Nơi tác nghiệp ấn tượng nhất đối với ông thời ấy là ở đâu?

Liên tiếp 2 mùa xuân 1971 và 1972, tôi lại khoác ba lô, tay máy tay súng có mặt kịp thời trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971) và chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972). Đặc biệt là chuyến đi vào Thành Cổ Quảng Trị. Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thị xã và Thành Cổ, tôi đã là phóng viên duy nhất - kể cả 2 phía - cố lọt qua lưới lửa dày đặc để vào Thành Cổ ghi lại chiến tích anh hùng ở chiến địa ác liệt có một không hai này. Trong tất cả các chiến dịch mà tôi tham gia, tôi luôn chụp nhanh, đưa tài liệu bằng mọi cách nhanh nhất về tòa soạn. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tôi đạt được tốc độ kỷ lục: Từ lúc rời khỏi Đường 9, chạy bộ ra sông Bến Hải rồi vẫy xe các loại về Hà Nội chỉ hết 2 ngày rưỡi. Báo đăng gần hết trang nhất ảnh Quảng Trị chiến thắng. Đời làm báo của tôi có 2 lần được nhận chữ “nhất”: là phóng viên duy nhất vào và chụp được ảnh Thành Cổ Quảng Trị; là phóng viên tác nghiệp nhanh nhất trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị (đợt một). Ngay khi chiến tranh chưa kết thúc, tôi đã được vinh dự đi nước ngoài nhận giải thưởng quốc tế (giải thưởng lớn Grand Prix kèm huy chương vàng của Hội Nhà báo quốc tế - OIJ) tổ chức ở Bulgaria.

- Về hưu, nghiệp ảnh đối với ông được tiếp tục như thế nào?

Tôi tham gia sinh hoạt nghiệp vụ với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh TPHCM; là thành viên CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ và CLB Nhiếp ảnh người cao tuổi. Từ năm 1994, CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ liên tiếp tổ chức các cuộc triển lãm ảnh chiến tranh theo nhóm tác giả và triển lãm cá nhân. Triển lãm “Bước ra từ lửa khói” cùng các tác giả: Triệu Hùng, Vũ Ba, Phạm Kỉnh; triển lãm “Hai góc độ - một cuộc chiến” gồm các tác giả Trần Thăng, Hoàng Văn Cường (cựu PV hãng UPI) và Đoàn Công Tính. Năm 1999, triển lãm ảnh cá nhân “Những khoảnh khắc đáng nhớ” tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị, tiếp theo ở TPHCM, Vinh, Hà Nội. Năm 2005, tôi được một tổ chức nhiếp ảnh Nhật Bản trao giải thưởng ảnh châu Á lần thứ 5 và mời triển lãm. Nhiều tổ chức nhiếp ảnh các nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc) cũng mời tôi triển lãm. Hiện nay tôi vẫn tham gia các cuộc sáng tác ảnh do các CLB tổ chức. Cách đây mấy năm tôi đã đến Trường Sa và trở về với triển lãm 80 bức ảnh, đã triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Gần như năm nào tôi cũng trở lại chiến trường xưa (Quảng Trị, Trường Sơn, Khu 4) để thăm lại đồng bào, đồng đội và để thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh, trong đó nhiều người là nhân vật trong ảnh của tôi.

 

An Dung thực hiện

Theo SGGP Online

Các tin khác