Một Thời Để Nhớ

 

"Cú đạp cứu mạng” và trận địa giữa lòng dân Cam Lộ

 

Cú đạp cứu mạng

QĐND- Tôi có 14 năm gắn bó với Trung đoàn 27 (Đoàn Triệu Hải) kể từ khi là chiến sĩ cho tới lúc đảm nhiệm cương vị Trung đoàn trưởng. Trong suốt những tháng năm cùng đồng đội chiến đấu dọc dài trên chiến trường Quảng Trị, tôi nhớ mãi trận đánh ngày 29-4-1972, bởi đây là trận đánh mà Đại đội tôi đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống 362 tù binh, cũng là trận mà sau đó 100% quân số (gồm hơn 60 cán bộ, chiến sĩ), Đại đội đều được cấp trên khen thưởng...

Hồi đó, tôi đang là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 3. Một ngày cuối tháng 4-1972, Đại đội tôi nhận nhiệm vụ mở đợt tấn công địch đang co cụm ở khu vực Thiện Giáo (huyện Triệu Phong). Sáng 29-4, Đại đội bắt đầu nổ súng tiêu diệt địch trong một ngôi nhà tại làng Thiện Giáo. Tôi có mặt trên một gò đất để chỉ huy anh em chiến đấu, còn chiến sĩ trung liên Nguyễn Viết Mão (Trung đội 1) nhận nhiệm vụ nổ súng thu hút địch ở một gò đất cách đó vài mét. Địch phát hiện ra quân ta và nổ súng chống trả quyết liệt. Đang mải chỉ huy chiến đấu, tôi bỗng nhận một cú đạp trời giáng làm tôi ngã nhào, lăn xuống bờ ruộng. Thì ra, từ gò đất bên kia, Mão phát hiện tôi gặp nguy hiểm nên đã buông súng, lao nhanh sang đạp mạnh tôi ra khỏi gò đất, sau đó anh lăn mấy vòng về vị trí, dùng trung liên tiếp tục bắn chéo thu hút địch. Ít giây sau, hàng loạt trung liên, đại liên của địch bắn như vãi đạn vào vị trí gò đất mà tôi nằm khi nãy. Tôi chợt nhận ra trong khoảnh khắc mong manh ấy, nếu không có “cú đạp cứu mạng” của Mão, có lẽ người tôi đã bị găm hàng trăm viên đạn của địch...

                                 

                     

Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Sinh gặp lại chiến sĩ Nguyễn Viết Mão (bên phải) sau gần 40 năm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

 

Sau này, do bị thương nên Mão được cử ra Bắc học, rồi anh rời quân ngũ, theo học tại Đại học Nông nghiệp. Do điều kiện công tác mà tôi không có dịp gặp lại người đồng đội và cũng là đồng hương quê Thạch Hà (Hà Tĩnh). Mãi cho tới chuyến trở lại Quảng Trị năm 2009, qua chắp nối thông tin từ đồng đội trung đoàn, tôi mới được gặp lại ân nhân của mình sau 37 năm và biết anh bị nhiễm chất độc da cam.

Trận địa giữa lòng dân

Ngày 30-3-1972, Đại đội tôi nhận nhiệm vụ đánh vận động tấn công kết hợp chốt tại Cao điểm 288 thuộc địa bàn Cam Lộ, Quảng Trị. Sáng hôm ấy, sau khi các trung đội đã tập kết ở vị trí chuẩn bị chờ lệnh nổ súng thì nhận được tin từ lực lượng trinh sát của tiểu đoàn: Có khoảng 10 người dân đang tiến thẳng vào trận địa của Đại đội 1, trong đó có cả người già, phụ nữ, trẻ em. Xảy ra tình huống bất ngờ, tôi phán đoán địch bắt dân đi trước để thăm dò, phát hiện lực lượng của ta hoặc chúng định dùng người dân làm lá chắn để đánh chiếm trận địa của đại đội. Sau khi hội ý cấp ủy và trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu, tôi lệnh cho bộ đội tiếp tục giữ bí mật trận địa, không để mắc mưu địch rồi cùng một số chiến sĩ bí mật luồn qua các vạt cây để tới gặp người dân. Tôi gặp một tốp 3 người đàn ông trung niên và được biết, thì ra bọn lính Trung đoàn 56 bắt họ đi trước làm lá chắn để chúng thay quân trên căn cứ Phu-lơ. Nhận rõ âm mưu của địch, tôi khuyên họ nên tạo điều kiện giúp Quân giải phóng bằng cách vẫn đi kiếm củi bình thường, coi như không gặp “Việt Cộng” và đề nghị một người quay về báo cho số bà con ở phía sau biết để làm theo. Ít phút sau, khi người đàn ông nọ quay lại cùng hơn chục người khác, bà con đã thực hiện khá “tròn vai” nghi binh để Tiểu đoàn 3 của địch tiếp tục hành quân lên căn cứ Phu-lơ (tức Cao điểm 544) thay quân và toàn bộ đội hình địch đã lọt vào trận địa phục kích của Đại đội 1. Chớp thời cơ, chúng tôi nổ súng đánh địch. Sau trận đánh, toàn bộ Tiểu đoàn 3 của địch bị tiêu diệt và bắt sống, trong số đó có Thiếu tá Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 ngụy.

Tròn 40 năm kể từ trận đánh mở màn năm ấy, chúng tôi đã nhiều lần trở lại Quảng Trị. Sau hàng chục năm không gặp, qua chắp nối thông tin từ mỗi chuyến hành hương về nguồn, đã có nhiều đồng đội gặp lại nhau, vậy mà hơn chục người dân Cam Lộ từng giúp Quân giải phóng trong trận đánh năm xưa thì vẫn không có cách nào liên hệ được. Giờ đây, người cao tuổi nhất trong số họ có lẽ đã ở tuổi “bát thập”, còn những cô bé, cậu bé trong số ấy cũng đã xấp xỉ tuổi 50. Không biết hiện nay họ đang ở đâu, có đọc được những dòng tâm sự này và nhận ra chúng tôi - những chiến sĩ Quân giải phóng trên vùng đất Cam Lộ 40 năm trước...

Quang Huy ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Phúc Sinh Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 - Mặt trận B5.

Các tin khác