Trên tuyến lửa Quảng Trị, chúng tôi reo: Hà Nội vẫn còn!

 

LÊ BÁ DƯƠNG

Ảnh chụp tại nghĩa trang Trường Sơn - biểu tượng chùa một cột

nằm trong lòng lá cờ tổ quốc tượng hình trái tim

       Có thể bây giờ và mãi mãi sau này, những người lính Hà Nội từng chiến đấu trên tuyến chốt giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 , vẫn không thể quên được cái cảm giác thắt lòng khi nghe trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam bản tin liên tục cập nhật những trận B52 của không quân Mỹ rải thảm xuống Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, bắt đầu từ trận không kích Bệnh viện Bạch Mai, khiến toàn bộ khu vực bệnh viện trở thành bãi hoang tàn, đổ nát, chết chóc tang thương.

       Trong chuyến “hành hương ấm rừng đồng đội lần 2” của những người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải về thăm lại tuyến chốt phía đông Thành cổ Quảng Trị ngày 24-7-2010, khi nhìn lại chốt cũ ở cánh đồng trước làng Dương Lệ Văn, CCB Phạm Quang Hùng nhớ lại: Vào những ngày đầu tháng 12-1972, khi mọi cố gắng tấn công bằng bộ binh của địch không còn hy vọng, chúng đã sử dụng nhiều cuộc không kích bằng pháo binh và không quân với những trận B52 rải thảm vào các tuyến chốt của quân ta, khiến cả một hành lang bảo vệ thành cổ gần như chìm trong một bức tường đặc quánh khói bom, pháo. Vậy nhưng, vào khoảng vài hôm trước ngày không quân Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, gần như toàn tuyến chốt trên mặt trận Quảng Trị trở nên ắng lặng. Và trước một không gian bất thường đến ngộp thở đó, Chính trị viên đại đội hỏa lực Nguyễn Bỉnh Kích nhắc nhở các phân đội:

     - Đang đánh nhau chí cha chí chát, bom pháo ùng oàng mà bỗng dưng yên ắng đến đáng ngờ vầy, chắc chắn nó sẽ giở chiêu mới. Các cậu phải lo củng cố công sự, chuẩn bị “nghênh đón” cho kỹ lưỡng nhé.

    Quả thật, với kinh nghiệm trận mạc, những người lính đã không nhầm khi dự đoán và chuẩn bị cho một hình thái tấn công mới của địch về phía ta. Tuy nhiên, không ai có thể nghĩ đến cái hướng “ra chiêu” lửa đạn đầm đìa chết chóc đó không nhằm vào mục tiêu gần, mà  đảo ngoặt về phía Bắc, nhắm thẳng vào thủ đô Hà Nội.

       Không tin nhưng vẫn là sự thật, một sự thật xót lòng đến với những người lính từ biển lửa bỏng rát của cuộc chiến đấu đối mặt với quân thù trên mặt trận Quảng Trị, mà vẫn ngoảnh lòng, thăn thắt hướng nỗi âu lo về phía Hà Nội - Trái tim của Tổ quốc, nơi có Trung ương, có Bác Hồ (lúc đó ai cũng nghĩ di hài Bác vẫn được quàn tại Thủ đô). Cùng với tâm trạng như vậy, cánh lính ra đi từ những cửa ô thân thương càng không thể không dằn lòng hướng nỗi âu lo về những phố Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám, Bạch Mai, ngõ chợ Khâm Thiên, Đông Anh… nơi có bố mẹ, anh chị em, và những ký ức sấu, me… rờn xanh từng ngõ phố…

      Mà chẳng ai bảo ai, trước khoảng ắng lặng, lạnh căng của không gian trận mạc, những người lính như cùng có chung một ý nghĩ: Giá được hứng hết những đợt bom B52 về phía mình cho Hà Nội bình yên!

       Thực ra đó không còn là ý nghĩ, mà hơn thế, còn là điều ước nguyện nhận về phía mình những cam go, khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh. Bởi dù sao thì những người lính cũng đã từng dầm trong mưa bom bão đạn, nay chịu thêm chút bão đạn mưa bom cũng chỉ là thêm nếm những gì đã từng chịu. Chẳng sao, miễn Thủ đô Hà Nội bình yên, Trung ương, Bác Hồ và những người thân yêu bình yên!

        Cứ vậy, trong từng công sự chốt giữ trên tuyến lửa bảo vệ thành cổ Quảng Trị, những người lính giải phóng vẫn nén lòng dõi theo từng bản tin cập nhật các cuộc ném bom rải thảm của quân thù từ những ngõ phố, cửa ô… cho đến chiều tối ngày 23-12… Từ bản tin thông báo Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các chiến sĩ tự vệ tại các trận địa và đồng bào chiến sĩ khu Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… những người lính đang đối mặt với quân thù trên một trong những hướng chốt bảo vệ thành cổ Quảng Trị đã như trút được hòn đá tảng dằn nén trong lồng ngực. Hà Nội vẫn còn!

        Hà Nội vẫn còn! Ấy là khi cuộc chiến 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội vừa đặt dấu chấm ngắt ngang nấc thang cuối cùng của cuộc không kích bằng B52 Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận… Những người lính quê Hà Nội trên tuyến chốt bảo vệ tuyến đông nam thành cổ Quảng Trị bất ngờ đón đoàn văn công Biên phòng vào phục vụ ngay tại tuyến chốt Dương Lệ Văn – Phương Ngạn - Hội Kỳ phường. Đoàn văn công từ Hà Nội vào, cánh lính Hà Nội đã như “vồ” lấy từng anh chị em diễn viên mà hỏi dồn:

      - Hà Nội sao rồi?

     Và mãi đến khi nghe ca sĩ Ngọc Trâm, một đồng hương Hà Nội chính gốc, kể tường tận như “chiếu” đoạn phim quay chậm về Hà Nội, cánh lính mới nhảy cẫng lên reo hò:

      - Hà Nội vẫn còn, 5 cửa ô vẫn còn! Hoan hô Hà Nội!...

     Vâng, từng đã có một Hà Nội trong góc nhìn từ “tuyến lửa” chiến tranh của những người lính trên tuyến chốt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cuối năm 1972. Hơn ai hết, những người lính một thời hái me, trèo sấu tại các ngõ phố Hà Nội hiểu rất rõ: Hà Nội, mãi mãi là điểm xuất phát, và cũng là điểm tựa trong tâm thế của những người lính nguyện đi đến tận cùng cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 

 

Các tin khác