Tìm mộ liệt sỹ qua hồi ức của vị tướng
Vương Hà
Tháng 7 khi cả nước tri ân những người có công, những thương binh, liệt sỹ- những người không tiếc máu xương cho nền độc lập của đất nước thì những người đã kinh qua các cuộc trường chinh của dân tộc lại sống lại với các hồi ức của một thời máu và hoa. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu dành cả phần đời còn lại của mình, từ khi bước ra khỏi cuộc chiến để tri ân đồng đội,… Và khi đời người đã ngả chiều hoàng hôn, nỗi niềm trong ông càng đau đáu hơn với việc đi tìm đồng đội.
Hồi ức bi hùng, rớm máu
Một buổi chiều tháng 7, tôi gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại tư gia nơi có vườn cây Tâm linh. Vườn cây này, ông đã cất công mang các loại cây, hoa từ khắp mọi miền đất nước về quần tụ trong mảnh vườn nhỏ giữa lòng phố 90 đường Hoa Bằng. ông mong muốn đó sẽ là nơi hội ngộ của linh hồn những đồng đội đã mất, người đã về được với gia đình hay vẫn còn ẩn khuất nơi đâu trên khắp các chiến trường. ông trầm ngâm, trong miền suy tưởng “đời người ngắn ngủi quá. Và tôi cũng đã ngả bóng hoàng hôn rồi, càng phải làm gấp những điều muốn làm để tri ân đồng đội”. ông nói cùng tôi, hay tự nhủ với chính lòng mình: “Những người trong cuộc chiến, đôi bàn tay ám màu khói súng tự băng bó vết thương, cõng thi thể đồng đội vượt làn đạn. Những người sau mỗi trận đánh ác liệt, đôi tay nhẹ nhàng, nghẹn ngào vuốt mắt cho đồng đội, và đôi bàn tay đào đất, cố ngăn tiếng nấc, ngăn dòng nước mắt đưa tiễn đồng đội trở về nơi an nghỉ vĩnh hằng, mới thấy tháng 7 tri ân, hoài niệm về đồng đội, biết bao kỷ niệm sâu thẳm cõi lòng”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ những năm 1968 cho đến ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Mảnh đất Quảng Trị có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông, đây là quê hương thứ hai nơi mà nhiều đồng đội của ông đã vĩnh viễn yên nghỉ. Năm nay, ông đã 5 lần trở về Quảng Trị dâng hương cho đồng đội và dự các sự kiện lớn. Tháng 7, ông lại chuẩn bị nhiều hoa, vàng hương cho chuyến về chiến trường xưa thăm viếng đồng đội. Trong ông, ký ức về một miền đất đau thương, ngập trong máu lửa vẫn kiên cường, bất khuất luôn luôn đổi mới và phát triển…
Hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Viện sỹ, Tiến sỹ Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- Anh hùng LLVTND bấy giờ là cán bộ Trung đoàn 27 Anh hùng. ông đã kể lại bằng cả tấm lòng đối với đồng đội. ông kể chuyện giản dị, chân thật và có trí nhớ biệt tài về tên tuổi đồng đội. Tướng Hiệu không chỉ kể tên từng người hy sinh mà còn biết rõ quê liệt sĩ ấy ở làng, xã nào, hy sinh vào thời khắc nào, chôn ở đâu. Có trận hy sinh vài ba người, có trận hy sinh vài chục người, tác giả đều dành những dòng mô tả về thân nhân họ, trừ những người vì lý do nào đó tác giả không thể nhớ ra. Chỉ tính riêng những người hy sinh mà tác giả chứng kiến, có người được chính tác giả băng bó rồi đưa đi mai táng, đã lên đến con số vài trăm người mới hiểu dải đất Quảng Trị khi kết thúc chiến tranh có đến 72 nghĩa trang với 60.000 liệt sĩ. Trong đó, nghĩa trang Trường Sơn có tới 10.263 mộ chí, nghĩa trang Đường 9 là nơi yên nghỉ của 10.420 liệt sĩ, chưa kể các nghĩa trang không tên như: Thành cổ Quảng Trị, các dòng sông, cửa biển, bìa rừng và khe suối … Vì vậy mong muốn của ông sau 40 năm vẫn phải tiếp tục cuộc hành quân đi tìm đồng đội để đưa đồng đội ông về các nghĩa trang và quê mẹ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trăn trở: “Quê quán của cán bộ, chiến sĩ tôi viết lại theo trí nhớ và ghi chép của mình, nên có thể có chỗ chưa chính xác, mong gia đình các liệt sĩ lượng thứ...”, và ông mong rằng, thân nhân các liệt sĩ có thể biết được ngày, nơi hy sinh, nơi an táng của các liệt sĩ. Hơn 5 năm, Trung đoàn 27 bám trụ kiên cường ở chiến trường Quảng Trị, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã âm thầm ghi lại tên của những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. ông giữ cuốn sổ nhỏ ghi tên đồng đội hy sinh như báu vật. Đã có thời gian sợ trí nhớ lãng quên, sợ mất đi cuốn sổ nhỏ thiêng liêng ấy, ông đọc tên đồng đội vào máy ghi âm để lưu lại. ông mong muốn rằng, thân nhân các LS có thể biết được ngày, nơi hy sinh, nơi an táng của các LS qua "Một thời Quảng Trị".
Chúng tôi xúc động khi tiếp cận được danh sách cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Trị của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Hy vọng, gia đình các liệt sĩ (LS) của Trung đoàn 27 biết được nơi hy sinh, an táng của thân nhân. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bồi hồi nhớ tới những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 Anh hùng và các đơn vị bạn đã anh dũng ngã xuống từ mặt trận Bắc Quảng Trị mùa xuân năm 1968, trên suốt chặng đường chiến đấu đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng: "Tôi sẽ không bao giờ quên các anh, quên một thời Quảng Trị máu lửa và cũng rất đỗi anh hùng. Hình ảnh các anh sẽ sống mãi trong ký ức của tôi".
Xúc động khi đồng đội được đoàn tụ gia đình
Thời gian có thể khiến người ta quên nhiều điều, nhưng tôi biết quê quán của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh không bao giờ phai trong tâm trí người cán bộ Trung đoàn 27 Anh hùng còn có tên gọi là Trung đoàn Đỏ Nghệ An hay Trung đoàn Triệu Hải. Một thời Quảng Trị đã tái hiện: “Ngày 8.2.1968, Trung đoàn Đỏ Nghệ An - Trung đoàn 27 được thành lập gồm Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 271, F341 - QK4), Tiểu đoàn 43 (Tỉnh đội Nghệ An) và Tiểu đoàn 44 (Tỉnh đội Hà Tĩnh). Ngày 26.2, Trung đoàn 27 vượt sông Bến Hải có mặt ở chiến trường Bắc Quảng Trị. Người hy sinh đầu tiên của trung đoàn là Tiểu đội phó Dương Văn Dũng (quê Lục Tây, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào ngày 27.2.1968, thi hài LS đã được an táng tại xã Vĩnh Hiền (Vĩnh Linh)”.
Thông qua những cái tên được nhắc đến trong Một thời Quảng Trị, có nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được thông tin về người thân của mình. Nhiều tờ báo khác đã trích đăng những tư liệu quý của Một thời Quảng Trị như một tài liệu chính thống cung cấp thông tin về các liệt sĩ từng chiến đấu ở Quảng Trị. Những tấm lòng nối những tấm lòng. Người này đọc được thông báo cho người kia. Dù xa xôi về địa lý, dù sức khỏe không cho phép đến tận nơi, dù rằng những con người chưa một lần gặp mặt, nhưng vì nghĩa tình đồng đội, thông tin về các liệt sĩ vẫn được truyền đi lặng thầm nhưng đầy hiệu quả.
Như gia đình liệt sĩ Phạm Văn Long - Tiểu đội trưởng, quê Mỹ Hòa, Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An đã tìm đến nơi anh Long và đồng đội hy sinh sau 39 năm không hề có tin tức. Anh Nguyễn Xuân Hải - con rể liệt sĩ Long đã xúc động nói: “Gia đình tôi không biết nói gì trước tấm lòng tri ân, nghĩa cử của ông Nguyễn Minh Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và các cơ quan báo đài. Nếu không có thông tin này, không biết đến bao giờ mới biết được nơi bố tôi đã hy sinh, nơi bố tôi đang yên nghỉ”. Hay như gia đình liệt sĩ Ngô Đức Hạt - Tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 2, quê ở thôn Vũ, Lương Nha, Thanh Sơn, Phú Thọ sau gần 40 năm đã tìm thấy thông tin về nơi liệt sĩ đã hy sinh, cũng nhờ nguồn tư liệu của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Vợ liệt sĩ Hạt nay đã 73 tuổi, nghẹn ngào: “Tôi rất muốn đưa hài cốt chồng tôi và đồng đội của ông ấy về quê để hương khói. Đã bao năm cạn nước mắt, ngày được biết tin tức của ông ấy, tôi đã bật khóc”.
Trong số rất nhiều thân nhân liệt sĩ trong giấy báo tử chỉ ghi hy sinh tại Quảng Trị không ghi rõ nơi an táng các liệt sĩ đã theo tư liệu của “Một thời Quảng Trị” đề nghị tìm giúp thi hài các liệt sĩ đã được an táng ở đâu để gia đình hương khói sau gần 40 năm bặt tin. Nhạc sỹ Phú quang cũng lặn lội nhiều chuyến theo hồi ký của Tướng Hiệu để tìm mộ anh trai. Dù biết, danh sách cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị trong hồi ức "Một thời Quảng Trị" sẽ chưa phải là danh sách đầy đủ, các cán bộ, chiến sĩ có tên trong tập hồi ký này là trí nhớ và ghi chép của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là danh sách cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.
Anh Ngô Đức Hiến - sinh năm 1965, con trai LS Ngô Đức Hạt - cho biết, giấy báo tử chỉ ghi nơi cha anh hy sinh ở Quảng Trị, nhiều năm qua, gia đình LS đi tìm phần mộ tại các NTLS ở Quảng Trị mà vẫn không thấy. Qua những gì Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: 10 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 và 3 chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu ngày 28.2.1969 tại núi Hồ Khê, xã Cam Tuyền, Cam Lộ. Địch đã cho xe ủi đất, san bằng trận địa - nơi còn thi hài 10 chiến sĩ Đại đội 2 và 3 chiến sĩ Đại đội 4 - để cho xe tăng và xe thiết giáp của Mỹ đi càn về nơi tập kết. Cách đây 7 năm, ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên là Huyện đội trưởng huyện Cam Lộ, người từng chứng kiến trận đánh ngày 28.2 và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Đại đội 2, Đại đội 4 - khi cho máy ủi san đồi để trồng cao su thì phát hiện được hài cốt của cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh ngày đó cùng những đôi dép râu, biđông nước... (tại đúng trận địa mà địch đã san ủi thi hài các chiến sĩ). ông Kỳ đã dựng nhà bia tưởng niệm ngay tại nơi này vào đúng ngày thành lập QĐNDVN- 22.12.2005.
Thời gian trôi qua 40 năm, nhưng nỗi lòng của các thân nhân liệt sĩ khi chưa tìm được thông tin về sự hy sinh, nơi an táng của người thân vẫn làm trăn trở, day dứt nhiều người. Cứ mỗi một liệt sĩ được người thân đón về đoàn tụ với gia đình là một niềm vui khôn tả và là động lực thúc đẩy Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục với tâm nguyện thầm lặng của mình với đồng đội.
./.
- Khánh thành tượng và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh h... (19/10/2022 - 14:05)
- Mừng thọ Đồng đội Ban LLTT CCB Trung đoàn 27 tại thành phố H... (19/10/2022 - 13:52)
- Bà má tham mưu của Trung Đoàn 27 (30/12/2020 - 03:46)
- Về phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng tại hội trường Quốc Hội... (25/11/2020 - 03:00)
- NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÔN HẬU CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO THƯỢNG TƯỚNG VIỆN... (17/04/2020 - 08:20)
- Thường trực Ban liên lạc, chúc mừng sinh nhật ... (11/02/2020 - 07:26)
- Đại hội đại biểu Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 (18/12/2019 - 03:49)
- Báo cáo tham luận tại hội thảo (11/10/2019 - 07:26)
- Liệt sỹ: Nguyễn Hữu Thảo (11/09/2019 - 06:59)
- Công văn của hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 Thái B... (11/09/2019 - 04:53)
Liên hệ
- Website: | trungdoan27.com.vn |
- Email: | This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. |