Vị tướng với những mầm cây

Tôi muốn đặt cái tên như vậy cho Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – một người con của đất học Thành Nam, một anh bộ đội Cụ hồ xuất sắc, một vị tướng đã làm nên những kỳ tích sau 67 trận đánh, người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga… bởi cả cuộc đời ông đã, đang và sẽ ươm trồng những mầm cây xanh mãi cho cuộc đời dâu bể này.

KHÚC QUÂN HÀNH ĐỊNH MỆNH

Trong gia phả và khai sinh, tên ông là Nguyễn Văn Hiệu nhưng khi nhập ngũ ông khai mình là Nguyễn Huy Hiệu “Bởi lúc đó tôi mong muốn mình sẽ là người chỉ huy” – tướng Hiệu bộc bạch. Và chính cuộc đời binh nghiệp đã cho Nguyễn Huy Hiệu một mảnh đất dụng võ để chức “cai võ” đó ghi danh ông vào lịch sử của Quân đội Việt Nam anh hùng.

Mỗi trận đánh trên sa trường của tướng Hiệu đều gắn với những cách đánh thông minh, táo bạo và đầy sức thuyết phục.

Có lời đồn rằng, khi Nguyễn Huy Hiệu còn là chiến sĩ liên lạc của Đại đội, trong một trận chiến đấu khốc liệt, toàn ban chỉ huy Đại đội hi sinh hết. Chiến sĩ Hiệu dũng cảm xốc lại lực lượng trong đại đội, chỉ huy đơn vi, lật ngược được thế cờ, điều hành đơn vị chiến đấu rất ngoan cường và đem về thắng lợi. Sau trận thắng đó, Nguyễn Huy Hiệu chính thức được bổ nhiệm Đại đội trưởng.

Trong những chiến trường tướng Hiệu đã đi qua, có lẽ mảnh đất Quảng Trị là nơi ông có quãng đời đáng nhớ, đáng tự hào hơn cả. Tác giả Vương Hà từng ghi lại: Trong chiến đấu, để tạo sự thống nhất trên toàn mặt trận, việc tuân thủ kỷ luật mệnh lệnh của cấp trên là yêu cầu mà cấp dưới tuyệt đối phải chấp hành, quyết định sự sống còn, thắng bại của trận đấu. Thế nhưng trong một tình huống hi hữu, anh tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu khi nhận thấy cơ hội nổ súng chắc chắn sẽ mang đến một kết quả tốt đẹp toàn cục cho chiến dịch đã … cho nổ súng trước giờ G. Trận đánh đã mở màn chiến thắng chiến dịch Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Và tướng Hiệu tự bạch: Ông trưởng thành từ những trận đánh ác liệt. Tư duy chỉ huy, sự quyết đoán của ông cũng đã được kiểm nghiệm từ thực tế. Ông là người không sách vở, giáo điều. Tất cả những quyết định của ông đã được thực tế khốc liệt của những trận đánh “một mất một còn” chứng minh tính đúng đắn. Ông đã hơn một lần khẳng định, chiến thắng trong mỗi trận đánh là nhờ tinh thần quả cảm của chiến sĩ và cái đầu sáng suốt của người chỉ huy. Trong đó còn có những quyết định táo bạo.

Trận đánh mở màn loạt chiến thắng cho chiến dịch năm 1972 của mặt trận, một phần nhờ sự quyết đoán của người chỉ huy nắm chắc thời cơ tiêu diệt địch. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại: “Sau này, tôi được gặp Tư lệnh chiến dịch – Tướng Lê Trọng Tấn và Chính uỷ Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh Mặt trận Cao Văn Khánh. Ông hỏi:

Theo quy định, chiến dịch mở màn lúc 11h30′, tại sao tiểu đoàn cậu lại nổ súng lúc 10h30′? Tôi đã trả lời: Trong chiến đấu có những tình huống không thể lường hết được. Tiểu đoàn của địch đã lọt vào trận địa, không đánh sẽ lỡ cơ hội. Lúc đó tôi suy nghĩ nhiều: đánh hay không. Tôi đã quyết định: Đánh và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tướng Lê Trọng Tấn đã ủng hộ quyết định của tôi”.

Sau chiến dịch này, khi mới 25 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu được được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và nhận chức Trung đoàn phó Trung đoàn 27 – Đoàn Triệu Hải anh hùng.

Cứ như thế, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguyễn Huy Hiệu đã đi lên từ anh binh nhì: nhập ngũ năm 1965, đến năm 36 tuổi với quân hàm Đại tá, ông đã làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Đồng bằng. Điều đặc biệt là ông không một lần được thăng vượt cấp, kinh qua từng bước một của đời lính – đời chỉ huy, ở cương vị nào ông cũng là người chỉ huy trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong bản tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của ông có ghi rõ: “Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ Trung đoàn, ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đã đánh 67 trận, trận nào cũng bình trĩnh, dũng cảm, mưu trí, dẫn đầu đơn vị vượt khó khăn ác liệt, kiên quyết đánh thắng”. Khi 40 tuổi, ông được phong tướng, đó cũng là vị tướng trẻ nhất của Quân đội khi ấy.

VẪN ĐAU ĐÁU NGÀY HÒA BÌNH

Khi vào chiến trường Quảng Trị và những năm dài chiến đấu ở mảnh đất đau thương Bình Trị Thiên, Nguyễn Huy Hiệu thực sự thấm thía sự khốc liệt của chiến tranh. Chiến tranh đã từng giờ, từng phút hủy hoại môi trường sống. Chất độc dioxin và bom napan đã huỷ diệt  hầu hết màu xanh cây trái. Quảng Trị của khói lửa chiến tranh, Quảng Trị  của những cánh rừng trơ trụi lá, Quảng Trị của những cơn gió Lào, những trận mưa bão khắc nghiệt. Ngay từ những tháng ngày mưa bom bão đạn ấy, ông đã nuôi tâm nguyện, phải làm gì đó để cải tạo môi trường cho người dân.

Chưa hết, bên cạnh nỗi đau của thiên nhiên, ông còn bị day dứt về sự “suy nhược” giống nòi trong thời bình. Những hình hài bị xô lệch, những số phận bi thương, những nỗi đau di truyền từ thế hệ này sang thế khác…

Tất cả thôi thúc tướng Hiệu lại tham gia vào cuộc chiến mới của dân tộc và cả thời đại – bảo vệ môi trường sống cho thiên nhiên và cho cả con người – một cuộc chiến dài lâu và không kém phần gian khó.

Trên cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Uỷ ban phối hợp Việt Nga, ông đã chỉ đạo chiến lược trong công tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Nga về hợp tác và phát triển khoa học công nghệ, định hướng cho nghiên cứu và tiếp thu công nghệ trong lĩnh vực môi trường, giải quyết vấn đề nhiễm chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, Phù Cát. Với những nỗ lực không mệt mỏi, ông được bầu là Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự liên bang Nga – Viện sĩ về nghệ thuật chiến tranh đầu tiên và duy nhất là người nước ngoài của Viện hàn lâm Nga. Bên cạnh đó, ông kêu gọi các nước khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, vật nổ còn sót lại đã huỷ hoại môi trường và cướp đi sinh mạng không biết bao nhiêu người dân vô tội. Hình ảnh những em bé ở Quảng Trị đi rà mìn kiếm phế liệu bị nổ tung khiến ông không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã đi qua hơn 35 năm, nhưng những nỗi đau vẫn còn đó. Những cái chết tức tưởi ngay trong thời bình, vì những di chứng oan nghiệt của chiến tranh…

Những ám ảnh dữ dội về sự sống của con người đang bị huỷ hoại khiến Nguyễn huy Hiệu luôn nung nấu tâm nguyện phải làm gì đó để cứu môi trường, đó cũng là cách giúp người dân thoát khỏi những cái chết xót xa trong thời bình. Tháng 11/1977, ông đặt chân đến Ấn Độ, đất nước của những cuộc cách mạng xanh, được thủ tướng Gandhi tặng cây đa, hiện nay trồng tại Thành đội Quảng Trị. 34 năm trôi qua, cây đa nay đã to gần 3 người ôm, trở thành biểu tượng về sự phát triển bền vững của một mảnh đất hồi sinh từ trong máu lửa. Sau đó, năm 2003 ông trở lại thăm Ấn Độ lần thứ 2 và viếng chùa Bodh Gaya. Các nhà sư tặng ông 3 cây bồ đề. Ông đã đưa cây về trồng tại những nơi linh thiêng để tri ân đồng bào: Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Tam Điệp (Ninh Bình) và nghĩa trang  xã Hải Long, quê mình. Lần thứ 3, năm 2007, thượng tướng lại sang Ấn độ và nhà sư tặng ông 5 cây bồ đề. Ông đã mang về trồng ở chân tượng Bác Hồ tại thuỷ điện Hoà Bình; ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn (chùa Quang Sơn); ở nơi diễn ra trận đánh Bạch Đằng lịch sử của Trần Hưng Đạo tại Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và ở Xuân Thuỷ (Nam Định).

Đến nay ông đã trồng được 366 cây các loại, chủ yếu là đa và bồ đề ở các nơi linh thiêng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Cây thứ 367 được trồng ở nước bạn Brunei ngày 28/3/2011. Với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, trồng cây như một sự tri ân với đồng đội, với những mảnh đất đã một thời nhuốm máu của đồng đội ông. Đặc biệt trong chiến dịch màu xanh đồng bằng ở Bỉm Sơn, ông đã phát động trồng 600ha cây lấy gỗ và cây ăn quả từ nhăng năm 1980 khi là đại tá Đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng bằng.

Còn hôm nay, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu vẫn đau đáu về trách nhiệm của mình với dân tộc. Ông đã từng chứng kiến những mất mát trong chiến tranh, đã khóc ròng trước sự hy sinh của bao đồng đội để có một Việt Nam hôm nay. Bởi vậy ông vẫn đang nóng lòng để góp phần cho một Việt Nam  khoẻ  mạnh với những mầm cây xanh có ích cho đời. Những mầm xanh đó sẽ ra hoa kết trái, sẽ góp sức để xây lên một tầm cao mới cho một tầm vóc Việt Nam .

Đúng như ông đã tự nhủ mình trong bài thơ “Trúc quân tử”:

Trúc xanh thẳng thắn thân gầy

Sống làm quân tử một ngày cũng vinh

Một con người luôn tự nguyện dấn thân vào những “tâm bão” của thời đại: đất nước có chiến tranh thì xông pha khói lửa; đất nước hòa bình thì lại lăn xả vào công cuộc gìn giữ môi trường… con người ấy đáng trân trọng và ngợi ca bởi đã có nhiều ngày quân tử – một quân tử vì dân vì nước dù ở đâu, cương vị nào.

Nhà thơ Huy Cận từng chiêm nghiệm và đúc kết về tầm vóc dân tộc:

“Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.

Cố nhà thơ Xuân Thuỷ sau những năm tháng chiến tranh gian khổ cũng ngợi ca đất nước: Biết đánh giặc và cũng biết thưởng hoa.

Thật giản dị và lớn lao biết mấy, Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu là một con người Việt Nam đúng với tầm vóc và tinh thần như vậy!

Đầu xuân Nhâm Thìn

Quốc Nam

 

          

TẾT XA QUÊ MẸ

Tết này con bận việc quân

Đường xuân quê mẹ vắng chân con về

Bước đường trăm núi ngàn khe

Vẫn nghe quấn quýt xuân quê bên mình

Nguỵ trang gió cuốn  rung rinh

Ngỡ đâu cánh bướm động tình quê hương…

Nguyễn Huy Hiệu

                                                  Chiến dịch Mậu Thân 1968

Các tin khác