Một vị tướng nặng lòng với Quảng Trị
Quảng Trị như là quê hương
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất nhưng cũng làm nên chiến công oanh liệt nhất. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những chứng tích để lại trên mảnh đất này vẫn còn nguyên vẹn với những địa danh đã đi vào lịch sử như địa đạo Vĩnh Mốc, hàng rào điện tử Mắcnamara, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành Cổ… Những năm 1968 đến 1972 là giai đoạn ác liệt nhất tại chiến trường Quảng Trị. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chến đấu và tham gia chiến đấu trong bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Chiến trường Quảng Trị những năm tháng khốc liệt với nhiều kỷ niệm bi tráng luôn đọng lại trong ký ức của ông.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ngày 27/7/1947 tại Hải Long, Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông vẫn thường nói đùa với các đồng đội của mình rằng “con số 7-là con số của cuộc đời tôi”. Ngày sinh của ông trùng với ngày thương binh liệt sĩ, vợ ông sinh vào ngày 17/7/1949 và cuộc hôn nhân của họ gắn với con số 7 ngẫu nhiên ấy. Ông vào chiến trường và tham gia 67 trận đánh ác liệt vào sinh ra tử, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã viết 7 cuốn sách nghiên cứu về chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Với những thành tích trong chiến đấu, khi mới giữ chức Trung đoàn trưởng, ông vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi. 67 trận đánh đã làm nên tên tuổi của một người anh hùng, 7 cuốn sách lại đưa ông đến danh hiệu Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga. Trong 7 cuốn sách ấy có cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị” do Đại tá Lê Hải Triều (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) chấp bút từ hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Trong cuốn sách, ông đã viết: “Tôi nghĩ mãi phải bằng một cách nào đó có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên một thời Quảng Trị – mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”. Đối với ông, Quảng Trị như là quê hương thứ hai của mình, bởi tại chính mảnh đất anh hùng này, ông cùng biết bao đồng đội vào sinh ra tử để giành lấy từng tấc đất, mái nhà trong những năm tháng không thể nào quên.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, ông được Đại sư Thích Huyền Diệu tặng 3 cây bồ đề con từ nơi đất Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. 3 cây bồ đề con ấy được ông gìn giữ cẩn thận, vượt qua hàng ngàn cây số để ươm trồng vào ba cái chậu và chăm sóc từng ly từng tý, ông trực tiếp mang trồng ở những nơi mà ông nặng lòng nhất, đó là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, khuôn viên bảo tàng Quân đoàn 1 (Tam Điệp – Ninh Bình)- nơi ông trưởng thành từ người chiến sĩ rồi sau đó trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị và nghĩa trang liệt sĩ quê nhà tại xã Hải Long, Hải Hậu, Nam Định.
Nặng lòng với chiến trường xưa
Sau ngày đất nước thống nhất, ông kinh qua nhiều chức vụ, sau đó vinh dự được nhà nước cử đi học tại Liên Xô (cũ). Năm 1986, ông nhận được lệnh điều động làm Phó tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1, sau đó là Tư lệnh Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyêt Thắng khi vừa tròn 39 tuổi. Ở cương vị nào, ông cũng làm tròn nhiệm vụ của mình, là một trong những người chỉ huy trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. 40 tuổi, ông đựoc phong cấp tướng và trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng. Mặc dù bận bịu với công việc, vừa nghiên cứu, viết sách cùng những núi công việc khác nhưng hầu như năm nào ông cũng trở về thăm Quảng Trị, nơi chiến trường xưa in đậm dấu chấn và ký ức của ông. Đặc biệt, ông có biệt tài nhớ như in tên tuổi, hình dáng của rất nhiều chiến sĩ Thành Cổ năm xưa. Mỗi lần trở lại, trong lịch trình của ông bao giờ cũng có cuộc viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và nhiều đồng đội của ông đang còn sống trên mảnh đất thiêng liêng này. Những năm tháng ở chiến trường, hầu như sau mỗi trận đánh, ông đều ghi tên, ngày tháng năm sinh, quê quán đồng đội mình đã hi sinh, nơi an nghỉ vào một quyển sổ tay. Nhờ vậy, nhiều đồng đội đã được gia đình đưa hài cốt về quê sau mấy chục năm là liệt sĩ vô danh.
Ông kể, trong lần trở lại thăm thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh vào năm 1998, ông cứ mãi miết đi tìm một cây đa mà ông gọi là “cây đa huyền thoại” ở trên một gò đất mà ngày ấy là chiến trường nơi địa đầu “Vùng 1 chiến thuật” của địch. Cây đa cổ thụ cao hàng chục mét, tán xòe rợp cả một vùng rộng lớn mà ông nhớ, trận đánh lịch sử của đơn vị ông đã diễn ra ở đây vào mùa xuân năm 1968, cây đa trở thành đài quan sát để điều chỉnh tầm bắn của pháo binh ta. Dù bom cày, đạn xới, cây đa vẫn sừng sững với hàng ngàn vết thương trên thân, cành bị chặt đứt, cây vẫn là điểm cao để lính trinh sát của ta dùng ống nhòm quan sát các cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, bãi Chùa, bãi Dâu, các đồi 544, 425… là các cứ điểm quân sự quan trọng nằm dọc Quốc lộ 1 từ cầu Hiền Lương trở vào. Cây đa đã giúp ta chiến thắng trong nhiều trận đánh lớn. Sau ngày Quảng Trị giải phóng, cây đa sau bao năm bám trụ chỉ còn lại gốc, ông đã tìm và mang đến một cây đa búp đỏ trồng lên chỗ cây đa cũ như để nhớ mãi “cây đa huyền thoại năm xưa” và cũng là nơi để hương hồn các liệt sĩ quây quần dưới tán lá xanh. Người dân thôn Gia Bình cũng đã quyết định dời đình làng về cạnh gốc đa để tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 67năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2011), mặc dù trời giá lạnh và mưa tầm tả, Thượng tướng Nguyễn Huy Liệu vẫn vào thăm Quảng Trị, viếng hương hồn các liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, thăm xã Gio An, nơi chiến trường xưa ác liệt và “cây đa huyền thoại”. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tháng ông trở lại mảnh đất Quảng Trị. Ký ức về chiến trường xưa và đồng đội không bao giờ phai nhạt trong ông. Ông nói, chỉ sợ một ngày nào đó không đủ sức để về với đồng chí, đồng đội và quê hương thứ hai của mình. Câu nói mộc mạc nhưng toát lên tình cảm chân thành của ông, lòng tri ân của ông đối với mảnh đất, con người Quảng Trị. Trong chuyến trở về này, ông đã trao tặng 50 suất quà cho thân nhân, gia đình các thương binh, liệt sĩ của Thành Cổ năm xưa. Hiện ông là Chủ tịch danh dự của Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Bài: Nguyễn Hồng Quân.
- Khánh thành tượng và đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh h... (19/10/2022 - 14:05)
- Mừng thọ Đồng đội Ban LLTT CCB Trung đoàn 27 tại thành phố H... (19/10/2022 - 13:52)
- Bà má tham mưu của Trung Đoàn 27 (30/12/2020 - 03:46)
- Về phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng tại hội trường Quốc Hội... (25/11/2020 - 03:00)
- NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÔN HẬU CHỖ DỰA VỮNG CHẮC CHO THƯỢNG TƯỚNG VIỆN... (17/04/2020 - 08:20)
- Thường trực Ban liên lạc, chúc mừng sinh nhật ... (11/02/2020 - 07:26)
- Đại hội đại biểu Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 (18/12/2019 - 03:49)
- Báo cáo tham luận tại hội thảo (11/10/2019 - 07:26)
- Liệt sỹ: Nguyễn Hữu Thảo (11/09/2019 - 06:59)
- Công văn của hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 Thái B... (11/09/2019 - 04:53)
Liên hệ
- Website: | trungdoan27.com.vn |
- Email: | This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. |