THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HUY HIỆU VỚI TRẬN ĐÁNH TẠI QUẢNG TRỊ

MẬU THÂN 1968

 

Tôi đã luôn thấy thắc mắc khi có nhiều tướng lĩnh kể về các trận đánh, những chiến công, những hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ mà dường như không quên một chi tiết, không sai một ngày giờ, nếu không nói là chính xác đến từng phút. Tôi may mắn được nghe kể lại nhiều trận đánh như thế, và tìm ra lí do vì sao các tướng lĩnh nhớ đến vậy, bởi đó là những hồi ức ăn sâu vào từng thớ tư duy, cảm nhận, và đó là động lực cho mỗi bước đường trên con đường binh nghiệp trong kháng chiến cũng như trong thời bình và câu chuyện tôi được nghe Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại trong những ngày giáp Tết cũng thật đặc biệt.

Chúng tôi đến văn phòng Viện sĩ vào những ngày cuối năm và được nghe lại thật nhiều câu chuyện trong chiều dài lịch sử của dân tộc những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Khi nói về những câu chuyện này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu như một cuốn sách về lịch sử, giúp chúng tôi mở từng trang, từng trang, và hôm nay  trong khi hào hứng kể về những ký ức trận mạc không thể nào quên, Tướng Hiệu đọc tặng chúng tôi bài thơ viết cách đây 50 năm – đúng dịp quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc, buộc Tổng thống Mỹ phải chịu khuất phục và ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Bài thơ này hiện nay đã được phổ nhạc:

“Tết này con bận việc quân,

Đường xuân quê mẹ vắng chân con về...

Bước đường trăm núi, ngàn khe,

Vẫn nghe quấn quýt xuân quê bên mình.

Nguỵ trang trong gió rung rinh,

Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương.”

Đó chính là mùa xuân đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp để 4 năm sau (1972) Nguyễn Huy Hiệu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xuân này dù đã bước sang tuổi 71, nhưng ánh mắt và nụ cười của Tướng Hiệu vẫn tươi rói, rạng ngời, mang vẻ kiêu hãnh của “nụ cười chiến thắng”. Tướng Hiệu nói với chúng tôi: “Cứ mùa xuân về, bài thơ khắc cốt, ghi tâm ấy lại kéo tôi trở về kỉ niệm của những trận đánh hào hùng trong chiến dịch Mậu Thân, mà tôi trực tiếp tham gia ở giai đoạn 2 – chiến dịch hè thu 1968. Đây là giai đoạn máu lửa nhất, quân ta đồng loạt tiến công trên khắp các chiến trường Miền Nam. Các bạn biết không, cuộc chiến oanh liệt ấy chính là cảm hứng để ra đời những bài hát đi cùng năm tháng như “Ơi con suối La La, Rừng xanh vang tiếng Ta lư.” Cả cuộc đời với hành trang áo lính và 67 trận đánh để đời, thì trận đánh ở Đồi Không Tên trong chiến dịch Mậu Thân 1968 là trận đánh khó quên trong đời binh nghiệp của tôi.

Đôi mắt Thượng tướng vụt sáng lên, ông kể lại trận đánh ác liệt nhưng chiến thắng vẻ vang, ghi dấu ấn đặc biệt trong khởi đầu đời quân ngũ - khi ông mới 21 tuổi đời với 3 tuổi quân...

...Bị thua đau trong đợt I của chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang ở thế bố trí chiến lược phản công bị lún sâu vào thế phòng ngự và bị động. Ngày 13/5/1968 Tổng thống Mỹ Gionson đã phải choáng váng bước vào hội nghị đàm phán với Việt Nam. Trong khi đó ở Miền Nam Việt Nam, quân Mỹ cay cú dồn hoả lực, binh lực cố vớt vát thay đổi cục diện chiến tranh. Giai đoạn 2 của chiến dịch Mậu Thân, quân và dân ta lại đối đầu với âm mứu chiến lược mới của Mỹ. Tiếng súng vang lên ở các mặt trận Quảng Trị, Đường 9, Đường 76...

Ngày 18/6/1968, không quân Mỹ dùng bom phạt, bom napan san phẳng Đồi Không Tên (thuộc Cam Lộ, Quảng Trị) và đổ bộ xuống một trung đội thám báo. Chúng dùng trực thăng thả xuống trận địa rất nhiều bao cát dựng công sự để chặn đường rút của quân giải phóng qua Thu Bồn về căn cứ. Khi đó Nguyễn Huy Hiệu đang là đại đội trưởng. Sau khi cùng ban chỉ huy nghiên cứu kĩ địa hình và đoán trước được mưu đồ tác chiến của địch, Nguyễn Huy Hiệu nhận được lệnh tổ chức đại đội sử dụng cách đánh từ sau lưng địch đánh lại. Bọn Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm, đánh bom toạ độ, pháo hạm bắn chặn các ngả đường phía Bắc rất ác liệt, mang tính huỷ diệt hòng cắt đứt các ngả đường, chặn bước tiến công của quân ta. Pháo của địch từ Đông Hà, Dốc Miếu bắn như mưa cả ngày lẫn đêm. Chỗ nào nghi có quân giải phóng, quân tiếp tế là chúng bắn và bỏ bom hủy diệt.

Vẫn giọng chầm chậm đưa chúng tôi vào câu chuyện lịch sử năm nào, Tướng Hiệu nói: “Quân địch không ngờ rằng đại đội của tôi lại tập kích từ phía sau lưng chúng. Tôi cùng tổ trinh sát nép sát vào những bao cát để trinh sát và nắm địch. Lúc chập choạng tối, mấy thằng Mỹ ra đứng trên đống bao cát còn tè xuống người chúng tôi. Nhưng anh em vẫn im như thóc để bám trận địa.”

Sau khi hội ý chớp nhoáng, đại đội quyết định chia làm 3 mũi tấn công. Mũi của Nguyễn Huy Hiệu là mũi chính tiếp cận phía nam Đồi Không Tên. Đúng 20h30 tối 18/6, 3 mũi tấn công đồng loạt tiếp cận căn cứ của địch. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu lệnh cho đồng chí Viêm xạ thủ B40 bắn vào hầm chỉ huy địch để hiệp đồng mở màn trận đánh. Sau đó cả đại đội đồng loạt dùng lựu đạn, AK tấn công. Bọn địch không kịp trở tay, chống trả yếu ớt. Trận đánh diễn ra quyết liệt, nhanh gọn. Chỉ trong vòng 30 phút cả trung đội thám báo Mỹ bị tiêu diệt. Đại đội của Nguyễn Huy Hiệu rút lui an toàn. Gần 20 phút sau, nhận được lệnh chi viện, máy bay của Mỹ từ Đông Hà bay lượn khắp quả đồi tiếp ứng. Nhưng chúng không dám bắn vì sợ bắn nhầm vào lính Mỹ. Chúng chỉ vãi đạn xung quanh quả đồi. Trận đánh Đồi Không Tên thắng lợi, cả đại đội không có ai hy sinh chỉ có 4 đồng chí bị thương.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự hào nói: “Đây là cái “được” lớn nhất của trận đánh. Trong lịch sử chiến tranh rất hiếm những trận đánh không có hy sinh”

Thay mặt đoàn cán bộ, phóng viên tạp chí Tinh hoa Đất Việt, Nhà báo Bùi Công Phiếu – Tổng biên tập bắt tay chúc mừng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và nói:

“Chúc mừng Thượng tướng. Ông không chỉ là một vị tướng tài ba, mưu lược trong trận mạc, mà ông thực sự là một người có tâm hồn thơ ca lãng mạn, phong phú. Đó chính là phẩm chất của những người lính cụ Hồ, trên đường hành quân đánh giặc vẫn còn “ngắt một đoá hoa rừng cài lên mũ ta đi”.”

Trước khi chia tay, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bắt nhịp cho cả đoàn hát vang bài hát “Ơi con suối La La” như để nhớ mãi trận đánh huyền thoại đó trên Đồi Không Tên.

Bài: Phạm Thị Dần

Ảnh: Lê Hùng

Các tin khác