BAN LLCCB VÀ NGƯỜI LÍNH 813/E27 ( HẠ LONG) TUỔI 41

                                                                                

                                                                         Ban LLTT/813 Hạ Long

 

 Ban LLTT CCB/D813 (Tiền thân là đơn vị huấn luyện Trung đoàn 8 quân khu 3) được bổ sung vào trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng tháng 7 năm 1972.

 Nhìn lại 41 năm về trước, những chàng trai  đất mỏ tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc  đi chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 05/01/1972 người dân đất mỏ tiễn những người con thân yêu  của mình tuổi chưa tròn 17 tại bến tàu khách Hòn Gai, những người mẹ, người chị trong đó có cả người yêu vẩy tay tạm biệt nguời thân với những giọt lệ lăn trên gò má hòa quyện vào cơn mưa bất chợt ập đến khi con tàu vừa rời bến. Thời khắc của sự thử thách, cam go ác liệt mà người lính 813 sẽ phải chấp nhận bởi đây là cuộc chiến vô cùng ác liệt.

Huấn luyện tại chùa Bằng thị trấn Quảng Yên, D813/E8 chủ yếu là lính Hòn Gai, Cẩm Phả,Yên Hưng. Tại đây những người lính trẻ làm quen với súng đạn, gian khổ luyện tập trên thao truờng để khi vào chiến trường bớt đổ máu và cũng từ đây người lính 813 có them một khái niệm về đồng đội. Sau 03 tháng luỵên tập kỷ chiến thuật khẩn trương, đầu tháng 4/1972 lính D813 tách đội hình E8/ Qk3 hành quân vào Nam theo tiếng gọi của tiền tuyến với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam, tất cả để đánh thắng”. Tháng 7/1972, lính D813 được bổ sung vào tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 và các đại đội trực thuộc  của trung đoàn 27 mặt trận Bình Trị Thiên (B5).

Trung đoàn 27 là đơn vị chủ lực của mặt trận B5, sau khi đánh thắng quân địch ở phía  tây tỉnh Quảng Trị khu vực Cam Lộ, đường 9 khe Sanh với những trận đánh thắng giòn giã như căn cứ 544 (Pulơ), đồi Tròn, không tên… làm vang dội  trong toàn mặt trận, sau đó được lệnh chuyển về hướng đông Nam huyện Triệu Phong, Hải Lăng đánh cạnh sườn và phía sau đội hình quân địch ở La Vang, Tích Tường, ngã ba Long Hưng, Chi Biu và tuyến sông Vĩnh Định huyện Triệu Phong. Tại đây người lính D813 được nếm mùi bom B52, pháo bầy, pháo giàn, pháo đinh, pháo hoá học … cũng đồng thời biết thế nào là ăn ngon, ăn đói, có những lúc đói dính ruột vì bí mật tiếp cận tập kích quân địch. Lính 813 ở nhiều đơn vị khác nhau trong trung đoàn  27, thay nhau tập kích vào thôn Bích La Đông, Bích La Trung  xã Triệu Thành quần nhau với đơn vị thuỷ quân Lục Chiến ngụy. Cuộc chiến vô cùng ác liệt, có ngày một đại đội thương vong 44 tay súng chỉ còn 5 người nguyên vẹn nhưng vẫn quyết tâm bám trụ, giữ vững chốt liên tục đánh địch. Cán bộ chiến sĩ 813 cũng thường xuyên giữ vững chốt ở những phòng tuyến quan trọng, như chốt An Lộng xung quanh đều có địch, lựu đạn ném quá tay. Tháng chín năm 1972 sông Thạch Hãn nước dâng tràn bờ. các chốt nước ngập tràn vào cả hệ thống hầm, hào ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động  phải ngủ vật vờ trong nước, cơm nắm ăn gọt vỏ thấm bùn và máu của đồng đội. Ngày đêm địch bắn không tiếc đạn qua chốt của ta. Địa bàn hoạt động thời gian này của trung đoàn 27 chủ yếu Nại Cửu Bắc và một phần Nại Cửu Nam vòng ngoài thành cổ dọc theo sông Thạch Hãn ngăn chặn địch để ta đưa quân vào, quân ra trong thành. Đánh địch giữ vững thành cổ Quảng Trị là nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tạo đà cho đàm phán 4 bên tại Pari đạt kết quả. Thời gian cuối tháng 7 đến hết tháng 9 /1972 là thời kỳ ác liệt nhất. Bom đạn địch bắn phá  suốt ngày đêm khi ta tấn công lấy chốt. Nhiều đ/c 813 đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại đây như đ/c Long, Cường, Dương, Phương, Việt, Tường, Ngọc… Và nhiều đ/c khác bị thương nặng như đ/c Bình, Động, Định, Vượng...   

Ngày 16/9/1972  địch đánh chiếm lại thành cổ, đơn vị tổ chức chốt lại ở 1 số điểm quan trọng như Vân Hoà, Nại Cửu Chợ Sải và phương án tấn công của trung đoàn là phòng ngự phản công. Ngày 26/1/1973 một số đại đội  ở K1, K2 của E27  ra tham gia chiến đấu tại cửa Việt, ngày 28/1/1973 Hiệp địmh Pari ngừng bắn có hiệu lực. Tại các chốt, bộ đội ta giao lưu với quân địch, lính 813 cũng thể hiện được bản chất của người lính cách mạng. Đặc biệt trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị từ 30/3 đến tháng 12/1972 là đơn vị nổ súng đầu tiên mở màn chiến dịch và chiến đấu kiên cường trên mặt trận Quảng Trị. Ngày 20 tháng 12/1973 trung đoàn 27được chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa  Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và sáp nhập vào sư đoàn 320b. Không thể không nhắc tới những nhân chứng lịch sử,  đại diện cho lực lượng du kích gan dạ đã cùng người lính trung đoàn 27 chiến đấu trên quê hương Triệu phong Quảng Trị, mảnh đất gian khổ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại, họ đã cùng trung đoàn 27 chịu chung những trận bom B52 những loạt pháo trên cùng một chiến hào đánh địch, vào sống ra chết như một người lính của trung đoàn cùng chia sẻ những nắm cơm với muối ớt, cọng rau mảnh măng còn sót lại trong đống đổ nát. Họ thường xuyên chia sẻ những niềm vui nuỗi buồn với người lính 813. Cao cả  hơn, giờ đây họ đang thay mặt đồng bào và cả những ông bố, bà mẹ và các đồng đội chăm sóc, lo toan những phần mộ của đồng đội hy sinh có và chưa có tên tuổi trên quê hương của họ, trong đó có cả những người lính 813. Trong cuộc chiến tại Quảng Trị, những người lính 813  Hạ Long  nói riêng và lính trung đoàn 27 Triệu Hải nói chung không thể  quên bởi họ là những người anh, người chị, là những đồng chí đồng đội chân thành và thuỷ chung gắn bó với những người lính 813 trong chiến đấu cũng như trong hòa bình. Tỉnh Quảng Trị giải phóng, tháng 10/1973 trung đoàn 27 ra Bắc tiếp tục huấn luyện, xây dựng phương án tác chiến, chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Đánh hiệp đồng quân binh chủng cấp quân đoàn gồm nhiều sư đoàn. Cuối tháng 2/1975 những người lính 813 trong đội hình trung, sư đoàn của quân đoàn 1 lại tiếp tục lên đường đi chiến đấu theo mệnh lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thần tốc phải thần tốc hơn nữa

Táo bạo phải táo bạo hơn nữa

Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận

Quyềt chiến và quyết thắng giải phóng miền nam thống nhất đất nước

Tất cả lính trung đoàn 27 hừng hực khí thế ra trận. Quả thực, được tham gia chiến đấu trong thời điểm lịch sử là niềm tự hào của ngừơi lính 813.Vượt trưòng sơn vào mùa khô bụi đất đỏ mù mịt, xe nối xe, có ngày hành quân tới 300 km đường rừng, vào Buôn Ma Thuật thì vừa giải phóng, có nơi khi tiến quân vào đồ lính và các loại xe cháy còn nghi nghút khói. Quân ta đổ về từ các hứong, xe, pháo, tăng. Có đơn vị hành quân bộ trùng trùng điệp điệp theo lộ 13 tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn. Trung đoàn 27 đựơc lệnh tấn công vào trung tâm huấn luyện số 5 quận Lỵ Lái Thiêu Tỉnh Bình Dương, sáng 30/4, ta làm chủ Lái Thiêu rồi  vượt cầu Vĩnh Bình cùng các đơn vị tiến vào giải phóng sài Gòn. Trong  lịch sử truyền thống của trung đoàn 8 quân khu 3 có ghi “tiểu đoàn 813 đã làm rạng danh cho trung đoàn 8” vì trung đoàn 8 chỉ có D813 là đơn vị lính bộ binh trực tiếp tham gia chiến đấu hai chiến dịch lớn là Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người lính 813 đã góp sức lực và cả tính mạng và máu của mình để tô thắm truyền thống vẻ vàng của trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng, tô thắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kết thúc chiến tranh, những người lính 813 trở về quê huơng với bộ quân phục rộng thùng thình, trên mình mang đầy thương tích của cuộc chiến, những tấm huân chương được cất sâu vào đáy ruơng tập trung chuẩn bị hành trang cho cuộc sống mới. Người gia đình có điều kiện thì tiếp tục theo học, người xin vào làm việc các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn. Những anh em vết thương nặng thì ở nhà phụ giúp gia đình việc nhẹ, ở vị trí nào anh em cũng hoàn thành nhiệm vụ và luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức và truyền thống anh bộ đội cụ Hồ. Một số đồng đội thành đạt trong công tác như đ/c Hùng, đ/c Cầu và cũng có một số đ/c làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội như đ/c Sơn, Thành, Long  và một số đ/c khác đã cố gắng vươn lên rất nhiều trong cuộc sống khó khăn như đ/c Vượng, Ninh, Minh…Đặc biệt đ/c Sơn đã thu thập tin ảnh và các bài viết đưa lên trang blog người lính 813 với công nghệ tiên tiến để anh em ghé thăm biết tình hình. Ban liên lạc CCB D813/E27 Triệu Hải chúng tôi được thành lập vào ngày 30/4/1993 do đồng chí Vũ Đình Bình là trưởng ban liên lạc. Phương châm chủ yếu là chia sẻ niềm vui nỗi buồn, giúp đỡ động viên nhau trong cuộc sống, với tất cả các đồng đội 813-E27 ở Hạ Long đến Cẩm Phả và Yên Hưng. Hàng năm họp định kỳ 2 lần vào dịp 5/1 và 27/7, với hình thức hoàn toàn tự nguyện bởi đây không phải là  một tổ chức chính trị xã hội nên không có bất cứ một ràng buộc nào. Để thực hiện tiêu chí ấy BLL cùng toàn thể anh em trong đơn vị luôn sát cánh cùng nhau như năm nào xung trận “ Bàn là đúng, đánh là trúng”. Rất nhiều gia đình vợ con đều coi đồng đội của chồng như những người thân của gia đình, đã có rất nhiều gia đình  khi nhận được sự giúp đỡ của anh em đều rất cảm động và khâm phục. Người ngoài cuộc thì nói đúng là “ lính” và cũng chỉ có chữ ‘lính” đó thôi thì chúng tôi những  người lính 813 trung doàn 27  Triệu Hải đã thấm vào máu và thịt nên rất đỗi tự hào. BLLTT/D813 đã 3 lần tổ chức cho anh em trong đơn vị về thăm lại chiến trường Quảng Trị, lần 1 năm 2002, lần 2 năm 2006, lần 3 năm 2010. Sau mỗi lần hành huơng chúng tôi lại nhận đuợc những lời tâm huyết của con em đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ như: Bác ơi! “Năm nay cháu 20 tuổi chỉ biết cuộc chiến qua phim ảnh chứ cháu không nghĩ bộ đội các chú đánh giặc giỏi mà còn biết nhảy đầm cừ nữa chứ” cháu cảm thấy mình  thật sự lớn khôn sau chuyến đi này, lần sau các bác đi cho cháu đi cùng. Còn người vợ đồng đội thì tâm sự, nếu em biết trước chồng em chịu đựng  gian khổ và anh dũng như thế này, thì trước đây em không  bao giờ gây buồn phiền cho anh ấy, lần này về em sẽ  bù đắp thật nhiều yêu thương cho anh ấy... Còn một đồng đội trong đoàn  ôm lấy chúng tôi tâm sự, về lần này chết cũng được rồi! Vì sao anh phải chết, vì đã tìm thấy  bóng hình thời trai trẻ  của mình, nơi mà anh đã chiến đấu kiên cường, anh đã lớn lên trong tiềng rít gầm của bom đạn của pháo sáng đầy trời và cả “ đói, khát”  có cả những giây phút hồi hộp lo âu khi  chuẩn bị tập kích, nơi ấy có những “ Út “ du kích gan dạ ngủ chung một hầm với anh vẫn  còn đó, tươi trẻ. Nơi ấy máu các anh đổ xuống  để gìn giữ, giờ đã in màu xanh  của cây trái, nơi ấy là quê hương của anh, che chở cho anh những tháng năm ác liệt, cho anh khôn lớn  trưởng thành mà tháng năm anh đã đau đáu chờ trông, giờ anh đã thực hiện được.

 BLL cũng đã vận động anh em trong đơn vị  quyên góp, bằng cách bỏ thùng kín để tặng tivi  25 in cho UBND xã Triệu Đại vào năm 2003, năm 2007 tặng du kích xã Triệu Đại  9 triệu đồng để giúp du kích  gây quỹ hoạt động, ủng hộ 2 triệu đồng cho xã Vĩnh Thành Vĩnh Linh Quảng Trị để xây dựng nghĩa Trang vô chủ. Chuẩn bị cho tết 2010, đơn vị gửi 12 xuất quà trị giá 1 xuất 500 nghìn đồng để du kích nghèo Quảng Trị mua gạo. Ngoài ra đơn vị  còn gửi lẵng hoa, quà khi xã Triệu Đại  và Triệu Đông có đợt sinh hoạt  chính trị lớn. Ban LLTT 813 Hạ Long cũng vinh dự  được 6 lần đón các đoàn đại biểu của các ban nghành  đoàn thể của UBND xã Triệu Đại và Triêụ Đông ra thăm đơn vị, thăm di sản thiên nhiên của thế giới .

 BLL 813 cũng tham gia nhiệt tình tất cả các cuộc  sinh hoạt chính trị  của các đơn vị  CCB trong toàn thành phố. Hàng năm vào ngày 30/4  và 27/7 đơn vị đều  tổ chức  thăm viếng nghĩa trang, nơi có lính 813 đang yên nghỉ. Mời càc mẹ liệt sĩ đến dự họp để các mẹ được nhìn lại hình ảnh con mình. Khi các mẹ đau ốm, BLL đều tổ chức thăm hỏi động viên các mẹ chu đáo, các mẹ cũng đã  coi đồng đội 813 là những đứa con  thân yêu của gia đình . Đơn vị cũng đã đựơc đón 06 liệt sỹ về  quê hương yên nghỉ tại nghĩa trang Hà tu . Đặc biệt  tháng 3/2011 với lòng mong mỏi tìm con của mẹ liệt sĩ Tường trước khi mẹ về thế giới bên kia. BLL đã họp bàn anh em trong đơn vị quyết định đi tìm  mộ liệt sỹ Tường và ngày 28/4/2011 hài cốt liệt sỹ đã được yên nghỉ  tại nghĩa trang Hà Tu, kinh phí từ khởi sự  đến lúc hoàn thành dều do anh em  tự đóng góp và  nhận được sự giúp đỡ  của lãnh đạo Công ty điện Lực Quảng Ninh, báo Quảng Ninh số ra ngày 27/7/2011 đã đăng tải về việc làm  ấm áp nghĩa tình đó của đồng đội  813 Hạ Long như một nghĩa cử với  đồng đội và đây là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.

Hầu hết lính 813 là thương binh và đã nhận đuợc kỷ niệm chương, chiến dịch  Hồ Chí Minh, chiến sĩ bảo vệ thành cổ của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị , quân khu Trị Thiên, huân chương  chiến sỹ giải phóng, huy chương chiến sỹ vẻ vang, huy chương chiến sỹ giải phóng, huy chương kháng chiến và bằng khen giấy khen khác.

Nhìn lại 41 năm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những ngừơi lính

ban liên lạc 813/E27 tự hào mang trên ngực những tấm huy chương rực rỡ, ngày hôm nay  nhìn lại càng thấy chói sáng, phần thưởng cao quý hơn cả với lính 813 là nơi ấy  có 1 trái tim  biết  căm giận, biết yêu thương hết mình, trái tim của một con người.

 Bước sang năm mới 2013 lính 813 cùng với  BLLTT của mình sẽ tiếp tục đồng hành với sự phát triển của đất nước. Nếu Tổ quốc cần lính 813 lại lên đường chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa thân yêu, xây dựng gia đình văn hoá,  nuôi dạy con cháu trưởng thành. Giữ gìn an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tiếp tục phát huy truyền thống  anh bộ đội cụ Hồ, thực hiện tốt và sáng tạo phương châm hoạt động của Ban LLTT đã đề ra “mãi mãi là lính 813, lính trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng” !

 

 

 

Các tin khác