Người lính kiên trung, bất khuất với quê hương Quảng Trị anh hùng

 

Nguyễn Thị Thanh Hường

Ban Dân vận Tỉnh uỷ Khánh Hòa

 

Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sinh ra và lớn lên tại vùng đất ven biển xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ngày sinh của anh trùng với Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/1947. Thuở nhỏ và khi đi học, tên khai sinh của anh là Nguyễn Văn Hiệu, nhưng khi nhập ngũ anh khai mình là Nguyễn Huy Hiệu với mong muốn mình trở thành sĩ quan chỉ huy. Cái tên ấy đã gắn với cuộc đời binh nghiệp hào hùng, 26 tuổi, anh đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi tròn 40 tuổi, anh được phong tướng, là vị tướng trẻ nhất của quân đội khi ấy.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tháng 2 năm 1965, anh nhập ngũ vào e812/f324 và sau huấn luyện tân binh vào chiến trường, đến năm 1967 sau trận đánh ở cao điểm 82 bị thương và về e271/f341/QK4. Năm 1968 thành lập e27 (Trung đoàn Đỏ), anh tiếp tục chiến đấu vàtrưởng thành từ chỉ huy cấp trung đội đến trung đoàn, tham gia 4 chiến dịch lớn: Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Xuân - Hè năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

 

Mỗi khi nhắc về chiến trường Quảng Trị, anh xúc động: “Tất cả như hiển hiện rõ trong trí nhớ, đó là khoảng thời gian oanh liệt, đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi từ tết Mậu Thân 1968 đến mùa xuân 1975...”. Anh nhớ như in tên, tuổi, hình dáng của những chiến sĩ đã tham gia chiến đấu cùng anh và sau mỗi trận đánh anh đều ghi chép tên, ngày, tháng năm sinh, quê quán, nơi an nghỉ đồng đội đã hy sinh vào cuốn sổ tay. Nhờ vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được hài cốt con em mình đưa về quê hương an táng. Về trận đánh ngày 18/7/1968, anh kể: “Ngày đó, có một trung đội Mỹ đang đổ quân đi về hướng đồi Độc Lập (Cù Dinh), đơn vị xuất kích đánh phủ đầu từ hướng Nam. Nhận lệnh, tôi đã trao đổi và đề xuất với cấp trên cách đánh táo bạo, trong lúc chiến đấu tôi bị một viên đạn cực nhanh bắn vào tay trái, khẩu súng rời khỏi tay, gắng gượng tôi dùng tay phải ném hai quả lựu đạn vào đội hình quân địch và chỉ huy anh em tiếp tục chiến đấu. Địch bị thiệt hại nặng, chúng dùng súng M79 bắn trả quyết liệt, do đó, tôi và vài anh em nữa bị thương lần thứ hai”. Qua một ngày đêm chiến đấu quyết liệt, đại đội anh đã tiêu diệt 65 tên Mỹ, bắn rơi 1 máy bay, thu 15 súng, 1 đài 2W, một bản đồ. Với thành tích đó, đơn vị anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; bản thân anh được cán bộ, chiến sỹ đơn vị bình chọn và đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Do bị thương, anh phải nằm điều trị gần một tháng tại Viện Quân y 43, sau khi điều trị khỏi vết thương, anh trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Ngày 20/12/1973 là một trong những ngày thiêng liêng nhất của cuộc đời anh - ngày anh đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh đã khóc  nhớ về những đồng đội đã hy sinh - những người anh hùng thầm lặng. Anh nhớ những đêm hành quân trong mịt mù khói lửa, những ngày ẩn sâu vào lòng đất mẹ để che mắt quân thù; những giờ phút lặng phắc, nín thở chờ giặc tới tưởng như trái tim cùng thời gian ngừng lại; những trận chiến đấu quả cảm thiêu cháy quân thù bằng ngọn lửa căm hờn; những niềm vui ngất trời khi lá cờ chiến thắng lồng lộng tung bay trên căn cứ địch…. cùng những giọt nước mắt nghẹn ngào, đau thắt khi lặng lẽ tiễn đưa đồng đội về với đất mẹ…

Với anh, Quảng Trị là tình sâu nghĩa nặng, là quê hương thứ hai của mình, anh tâm sự: “Chỉ sợ một ngày nào đó tôi không còn đủ sức để về với đồng chí, đồng đội và quê hương thứ hai của mình”. Câu nói mộc mạc nhưng toát lên tình cảm chân thành của anh, lòng tri ân với mảnh đất này. Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua, anh đã vận động, kêu gọi những nhà tài trợ hảo tâm xây dựng những khu tưởng niệm, những công trình di tích chiến tranh như cụm tâm linh tại Gia Bình, đài tưởng niệm Trung đoàn 27 tại Gio An, Cao điểm 31 Phúc Xa- Cửa Việt, Ngô Xá Đông, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn… Mỗi lần về, anh cùng đồng đội và nhân dân luôn thăm hỏi giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn, sửa sang xây đắp mộ phần, hương khói tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị, chiều 30/4/2012, Quỹ phát triển du lịch và hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội tổ chức khai trương phòng trưng bày hình ảnh, kỷ vật chiến tranh và thư viện hoài niệm, tiếp nhận 2.000 đầu sách, 600 bức ảnh quà tặng của Nhà xuất bản Quân đội, Vụ Thư viện và Tổng công ty Sách Việt Nam; nhiều kỷ vật là những đồ dùng cá nhân thường ngày trong chiến tranh của các cựu chiến binh… Những hình ảnh, đầu sách, kỷ vật chiến tranh cũng chính là thông điệp cho khách thập phương về thăm thành cổ Quảng Trị thấy được giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, tái hiện một cách sinh động lịch sử phản ánh những trận quyết chiến, chiến tích oai hùng năm xưa trên chiến trường Quảng Trị, góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 vĩ đại của dân tộc. Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Công ty TNHH Đầu tư - Tài chính Vina (Hà Nội) trao tặng cho các gia đình cựu chiến binh Thành Cổ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã Quảng Trị hơn 100 suất quà trị giá 50 triệu đồng; Quỹ phát triển du lịch và hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội trao 25 suất quà cho Hội chiến sỹ Thành Cổ năm 1972 từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012) sẽ là cuộc hành trình thứ năm trong năm 2012 của anh về với Quảng Trị. Ít người biết rằng, vị tướng ngược xuôi lo cho đồng đội đó cũng là một thương binh hạng 3/4, trên người anh hiện vẫn còn những mảnh đạn không thể lấy ra được, vào những ngày trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức.

Chia tay người lính kiên trung năm xưa tại Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội Quảng trị, tôi ấn tượng mãi về cái “Tâm” và lòng nhiệt huyết của một người lính Cụ Hồ không bao giờ mất đi trong anh. Lòng nhiệt huyết, sự kiên cường trong cuộc sống của anh như tiếp thêm động lực cho tuổi trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, cống hiến hơn nữa cho những giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Anh tâm sự, anh sẽ tiếp tục cùng đồng đội, cùng nhân dân tổ chức các cuộc hành trình trở lại chiến trường xưa tìm các đồng đội đã hy sinh còn nằm lại nơi góc rừng, bờ suối, đưa các anh, các chị vào nghĩa trang bên đồng đội, hay trở về với gia đình, quê hương yêu dấu./.

 

 

Các tin khác