Nghĩa cử cao đẹp của vị tướng anh hùng

 (Nguoiduatin.vn) - Năm nay cũng như nhiều năm trước, vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị và 65 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), Thượng tướng – Viện sĩ – Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu lại cùng hàng vạn cựu chiến binh trong cả nước về thăm đồng chí, đồng bào.

Hình ảnh vô cùng cảm động là hàng đoàn người hành hương vào dâng hương tại Đài tưởng niệm trong Thành cổ, các nghĩa trang Đường 9, Hải Lăng…

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ

Nặng lòng tri ân

Bên cạnh Đài tưởng niệm của sinh viên trong Thành cổ Quảng Trị, người ta thấy có một cây đa cành lá xum xuê. Hướng dẫn viên kể rằng, cây đa đó là do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng từ năm 2003 để tri ân, tưởng niệm các chiến sĩ và sinh viên đã ngã xuống bảo vệ tổ quốc. Dưới gốc đa có một tấm bia nhỏ ghi nguồn gốc của cây, tuy mưa gió lâu ngày nhưng vẫn đọc rõ từng nét chữ khắc trên đó. Nhiều người đề nghị tướng Hiệu làm một tấm bia lớn hơn để thay thế tấm bia đầu tiên, nhưng ông bảo, cứ để nguyên như thế vì nó mang ý nghĩa lịch sử.

Còn tại Thành đội Quảng trị, cây đa mà tướng Hiệu trồng năm từ 1977 (sau chuyến thăm Ấn Độ và được Thủ tướng Ấn Độ Gandhi tặng) cũng lên xanh tốt. 35 năm trôi qua, cây đa nay đã to gần 3 người ôm, trở thành biểu tượng về sự phát triển bền vững của một mảnh đất hồi sinh từ trong máu lửa.

Tướng Hiệu tâm sự, hễ khi nào có điều kiện là ông lại đem những cây đa về trồng tại những nơi linh thiêng để tri ân đồng chí, đồng bào. Cho đến nay, ông đã tự tay trồng hàng trăm cây các loại, chủ yếu là cây đa và cây bồ đề ở các nơi linh thiêng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, hầu hết các đơn vị trong toàn quân.

Suốt chặng đường chiến đấu gần chục năm trên mảnh đất Quảng Trị, đối với tướng Hiệu, có biết bao kỷ niệm vui buồn về một thời máu lửa. Nhiều năm đã trôi qua nhưng sự nhớ thương đồng đội vẫn nặng trĩu trong lòng ông. Vốn là người sống rất ân nghĩa và trách nhiệm, trước đây, cứ sau mỗi trận đánh, ông đều ghi chép thật tỉ mỉ tên, quê quán và địa điểm hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình vào một quyển sổ. Chỉ tính riêng số người hy sinh mà Nguyễn Huy Hiệu trực tiếp chứng kiến, có người được chính ông băng bó rồi cõng đi mai táng đã lên tới vài trăm người.

Nhờ vậy, mấy chục năm sau, nhiều gia đình thông qua ông đã tìm được hài cốt của người thân đưa về quê nhà… Trong đó, có câu chuyện cảm động của bà Tô Kim Khuy ở xóm 12, xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, Nam Định. Thông qua hồi ức và những ghi chép của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, bà biết được chồng mình là đại đội trưởng xe tăng, anh hùng liệt sĩ Hoàng Thọ Mạc đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vào giờ phút chót của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, đó là trưa ngày 30/ 4/ 1975, trước cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn.

Chính tướng Hiệu (khi ấy là trung đoàn trưởng Trung đoàn 27) đã lệnh cho chiến sĩ bế xác Hoàng Thọ Mạc lên một chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào Sài Gòn. Những giờ phút đầu tiên của ngày toàn thắng lại là cái khoảnh khắc họ cúi đầu mặc niệm người liệt sĩ anh hùng.

Bình dị nhưng cao qúy

Là người chỉ huy nhưng tướng Hiệu luôn gần gũi, thân thiện với cán bộ, chiến sĩ của mình. Ở cương vị nào ông cũng luôn ân cần hỏi han, quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Sau khi trở về từ cuộc chiến tranh, hễ có dịp là ông lại cùng lãnh đạo các địa phương đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam…

Cũng như nhiều năm trước, năm nay vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị và 65 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại cùng hàng vạn cựu chiến binh trong cả nước về thăm đồng chí, đồng bào đã đổ xương máu trên đất lửa Quảng Trị. Ông cùng các đại biểu và nhân dân địa phương tham dự lễ thả hoa đăng bên bờ Nam sông Thạch Hãn, để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Cùng với đó là buổi biểu diễn văn nghệ đặc biệt cảm động, do các cựu chiến binh thể hiện, với chủ đề “hát cho các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên mảnh đất này”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể rằng, cứ vào dịp mùng 5 Tết, các cựu chiến binh cả nước lại tề tựu về bên vườn cây tâm linh của gia đình ông, để tri ân đồng chí, đồng đội. Nếu có cơ hội, ông muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho những việc làm nghĩa cử, cao đẹp.

Tướng Hiệu vốn là người có tài và có đức. Với nhiều người, dù chưa một lần gặp ông nhưng họ vẫn biết đến và cảm thấy vị tướng này rất gần gũi, thân quen và đáng trân trọng. Trong đó, có câu chuyện của họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp vẽ ký họa chân dung Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu cũng là một câu chuyện cảm động.

Được biết, họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp vốn là một họa sĩ trình bày và vẽ minh họa cho các báo khu Tây Nam Bộ, Văn nghệ Hậu Giang… từ những năm kháng chiến chống Mỹ trong chiến khu Cà Mau. Người họa sĩ này đã từng thể hiện rất nhiều các bức vẽ thành công về Bác Hồ, Bác Tôn, Bác Đồng và các chiến sĩ quân giải phóng, nhưng tướng Hiệu là chân dung vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên mà ông vẽ.

Họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp kể rằng, trước đây, trong thời kỳ kháng chiến và hòa bình lặp lại, ông đã từng được nghe nhiều câu chuyện cảm động về người Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu – một vị tướng tài ba, đức độ, nhưng ông chưa từng được gặp tướng Hiệu. Thế rồi, thật tình cờ cách đây khoảng 2 năm, trong một chuyến công tác tại Quân Khu 9, ông đã được gặp tướng Hiệu.

Ngay trong lần gặp gỡ ấy, với cảm nhận của một người họa sĩ từng có nhiều kinh nghiệm vẽ chân dung nhân vật, Nguyễn Thành Hiệp đã nhận thấy sâu sắc sự đức độ, nghĩa tình và tài giỏi toát lên từ gương mặt cũng như con người tướng Hiệu nên ông tự nhủ sẽ vẽ chân dung Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu bằng tất cả tình cảm, niềm kính trọng của mình.

Hai năm sau ngày gặp gỡ, họa sĩ Nguyễn Thành Hiệp đã hoàn thành bức tranh sơn mài chân dung Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và trao tặng cho gia đình tướng Hiệu vào ngày 24/5 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hồng Hà

 

Các tin khác