NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

 

Phan Thiết, ngày 12/6/2012

 

Được tin anh Nguyễn Huy Hiệu đến công tác tại Bình Thuận, để khảo sát xây dựng sân bay cho tỉnh Bình Thuận chúng tôi mừng lắm gọi điện cho anh và hẹn gặp nhau. 8 giờ sáng ngày 21 tháng 5 năm 2012 tôi và anh Mão lên đến tầng 5 khách sạn Novotel. Từ cửa phòng nghỉ đằng xa anh nói lớn, anh đây! Anh ở đây! Gặp Anh tay bắt mặt mừng, niềm vui khó tả, anh em ôm choàng lấy nhau. Anh Hiệu thì chúng tôi dễ nhận ra vì qua truyền hình, báo chí nói, viết nhiều về anh còn chúng tôi đã 40 năm rồi, thời gian, tuổi tác, cuộc sống làm thay đổi hình hài. Lần cuối năm 1974 đơn vị rút ra thành lập quân đoàn, tôi gặp anh tại trung đoàn bộ ở Bái gạo, rừng núi Như Xuân Thanh Hóa khi anh mới đi học về. Khi đó tôi đang làm việc ở ban quân lực, anh Chính là trưởng ban quân lực trung đoàn. Anh Hiệu kể say sưa chuyện anh yêu một cô sinh viên đại học y khoa Hà Nội. Thời gian đã quá lâu, thế nhưng khi găp lại tình đồng chí, đồng đội một thời từng vào sinh ra tử, đã thắt chặt tình cảm của chúng tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ.

Sau những phút hỏi thăm chuyện gia đình, cuộc sống, vợ con, Anh em ngồi ôn lại chuyện chiến trường xưa và những ký ức tràn ngập hiện về với bao kỷ niệm bi hùng. Nơi chiến trường Quảng Trị xưa ấy, những tên làng, tên sông, tên suối đã gắn bó với chúng tôi qua nhiều trận đánh, có những trận đánh tôi nhớ suốt đời. Đó là sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị Trung đoàn 27 được lệnh luồn sâu đánh vào đồn Đại Lộc, quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên đêm 20 rạng sáng 21 tháng 5 năm 1972. Một trận đánh ác liệt mà một phân đội cối 82 của đại đội 17 trong đó có tôi và một đại đội của tiểu đoàn bộ binh của anh Hiệu làm tiểu đoàn trưởng vào vị trí đúng thời gian quy định; chiến đấu với 1 lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến địch đóng quân tại đồn Đại Lộc quận Phong Điền tỉnh Thừa thiên( do các đơn vị khác bị lạc đường không vào kịp).  Suốt đêm 20/5/1972 từ thôn Cổ Lũy (cảng Mỹ Thủy) quận Hải Lăng, Quảng Trị, chúng tôi bí mật hành quân đi qua bãi biển Hải Lăng, đi vào làng, vượt qua sông Mỹ Chánh. Lên khỏi bờ chúng tôi bò theo mương nước cây cỏ phủ kín, bỏ hoang từ năm 1968. Vũ khí, lương thực chúng tôi buộc vào túi ny lon, đội lên đầu, theo hàng dọc bơi vào hơn 2 km. Địch không thể ngờ chúng tôi lại chọn hướng trống trải từ ngoài đồng đánh vào. Khoảng 4 giờ sáng 21/5/1972 một đại đội bộ binh và một phân đội hoả lực của chúng tôi đã tiến vào cách đồn địch khoảng 150 m, bí mật, im lặng, triển khai trận địa. 5 giờ sáng chúng tôi đã thấy bọn địch đi lại trong doanh trại, gặp một số người dân đi làm ăn chúng tôi bắt giữ lại, họ khóc, một số la hét…; Hợp đồng binh chủng không được, không có pháo tầm xa yểm trợ, không có xe tăng đi cùng, gần 6 giờ sáng vẫn chưa được lệnh nổ súng; tình thế hết sức nguy hiểm… trận địa bị lộ các loại đạn của địch từ các hướng, từ trong đồn bắn ra dồn dập, nhất là cối 60, phóng lựu, đại liên… của địch phủ lên toàn bộ trận địa của ta, anh em bộ đội ta hy sinh nhiều. Tôi cũng được hưởng trọn một quả cối 60 bị thương nặng. Được một số anh em trong đơn vị đưa ra xa, nhưng sau đó tỉnh lại, may mắn vẫn sống sót. 2 ngày 3 đêm thất lạc đơn vị, không có gì ăn;  Ngụp lặn trong nước; ngày thì tránh đạn bắn thẳng từ trong đồn, tránh máy bay địch quần đảo tìm kiếm tiêu diệt chúng tôi. Đêm nằm trong mương nước lo tránh muỗi và đỉa…sức trẻ và sự sinh tồn cộng với nghị lực và lý tưởng cộng sản trong giai đoạn đó đã giúp chúng tôi không sợ chết, không biết đói, không buồn ngủ….Chiều tối 21/5/1972 đ/c Lưu Văn Tạo sinh 1951, phúc lợi, Diễn Châu, Nghệ An chết (do bị địch bắn ngang thắt lưng lúc sáng), Tạo nằm trên bờ mương nước bỏ hoang. Trước lúc hy sinh Tạo gọi mẹ cả tiếng đồng hồ làm cho anh em chúng tôi dao động, một số bàn tính đào ngũ, đa số im lặng. Riêng tôi, khuyên anh em là từ đây (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) ra bắc phải đi qua tỉnh Quảng Trị mà bom đạn địch bắn suốt ngày đêm thế này, hơn nữa nghe nói ngoài bắc máy bay Mỹ bắn phá mạnh lắm liệu có sống nổi mà về quê không, thôi ta cứ ở lại rồi tìm đơn vị trở về; (thú thực là vì danh dự gia đình và trách nhiệm với Đảng và Tổ Quốc tại thời điểm đó tôi thà chết ở chiến trường chứ không thể đào ngũ). Đêm hôm đó các tiểu đoàn bộ binh của trung đoàn 27 ở các hướng đã bí mật vượt sông Mỹ Chánh vào để giải phóng Quận Phong Điền. Tại vị trí chúng tôi, 2 giờ đêm 21/5/1972 có tăng viện thêm 6 xe tăng, có du kích dẫn đường, đã tiến vào phía địch…. Còn chúng tôi vẫn đang ngụp lặn trong nước. Sau đó tôi đã liên lạc và đưa anh em tìm về đơn vị. Và được biết sau loạt đạn pháo cối đầu tiên của địch, trận địa của chúng tôi bị phá hủy hoàn toàn, một số anh em hy sinh, số bị thương, một vài anh em còn khỏe dùng xuồng chở số bị thương về trú ẩn tại một làng bỏ hoang từ năm 1968, phía phải bốt Đại Lộc, địch tiếp tục cho hai lữ đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ bằng đường biển ra Thanh Hương, Gia Đẳng phía nam Quảng Trị. Trung đoàn 27 quân giải phóng nằm trọn trong vòng vây của một lực lượng địch đông gấp 3 lần và thiện chiến nhất của quân đội Sài Gòn cộng với hỏa lực của Mỹ .

Một tuần sau Bộ tư lệnh chiến dịch Trị Thiên 1972 điều một lực lượng mở đường máu cho trung đoàn 27 suốt đêm 26/5/1972 rút chạy khỏi vòng vây quân địch từ Đại Lộc, Quận Phong Điền tỉnh Thừa Thiên về lại thôn Đa nghi (cảng Mỹ Thủy) Quảng Trị (khoảng hơn 10 km). Vừa tìm được hầm, chợp mắt được gần 1 giờ chúng tôi lại có lệnh đón đánh địch đổ bộ vào cảng Mỹ Thủy….

 Một kỷ niệm nhớ đời, một trận đánh trong nhiền trận đánh thời trận mạc ở chiến trường Quảng Trị tôi đã tham gia. Gặp đồng đội bây giờ tôi mới kể. Khi kể lại cho những đứa con chúng tôi sinh ra đã tốt nghiệp đại học, nghe tôi kể chúng cứ ngỡ là chuyện cổ tích, (sau này tìm hiểu được biết trong trận đánh tại đồn Đại Lộc ngày đó có hơn 100 đồng đội chúng tôi đã hy sinh và trong hơn 4 năm chiến đấu tại Quảng Trị trung đoàn 27 anh hùng có trên 3000 liệt sỹ.

Nghe xong, một phút im lặng! Anh bảo trận đó quá ác liệt…Anh nói Đảng ta, nhân dân ta đã động viên, bồi dưỡng được một thế hệ thanh niên anh hùng, thế hệ biết quên mình để làm nên trang sử vẻ vang của dân tộc. Sau 40 năm gặp lại, Anh vẫn dáng người nhanh nhẹn, nước da hồng hào tươi trẻ, bản tính vui vẻ, hiền từ, nhưng vẫn nghiêm nghị của  một sỹ Quan cao cấp của quân đội. Anh hỏi thăm nhiều tình hình gia đình, cuộc sống; công việc của chúng tôi tại Bình Thuận. Khi được biết đầy đủ, anh tươi cười hãnh diện về chúng tôi, những chiến sĩ cảm tử chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị ngày nào vẫn còn sống sót; sau chiến tranh trở về hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao phó và bây giờ đã ổn định cuộc sống, thanh thản vui vẻ với tuổi già.

Và sau đó là 81 ngày đêm chúng tôi liên tục bám trụ chiến đấu bảo vệ thành cổ; chống lại cuộc hành quân “Lam sơn 72” của quân đội Sài Gòn và hỏa lực Mỹ hòng tái chiếm lại Quảng Trị; (Sau 8 tháng Mỹ ngụy đã huy động tổng lực vũ khí hiện đại nhất; quân đội tinh nhuệ nhất, nhưng chúng chỉ lấy được 1 huyện Hải Lăng và 5 xã huyện Triệu Phong và thành cổ, chiếm 15% đất đai toàn tỉnh. Và chỉ trong 8 tháng chống lại cuộc hành quân “lam sơn 72” của Mỹ Ngụy đó,  đã có trên 10000 liệt sỹ của ta hy sinh để giữ  thế trên bàn đàm phán ký kết hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam). Chiến tranh đã lùi xa và còn ít lắm những đồng đội ngày ấy cùng chúng tôi chiến đấu sống sót trở về. Anh lại nói: Các em thật vinh dự là thế hệ thanh niên đã chiến đấu bảo vệ thành cổ trong những ngày đêm hào hùng đó.

Với anh, thành đạt về nhiều mặt: Một thượng tướng tài ba từ người lính trưởng thành trên chiến trường, một thứ trưởng Bộ Quốc phòng; một Tiến sĩ, Viện sĩ viện hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga, một Anh hùng thời chống Mỹ tại Quảng Trị. Khi gặp lại chúng tôi, những người lính một thời tại chiến trường Quảng Trị, vẫn là tình đồng chí, đồng đội gắn bó thân thiết thuở nào lại ùa về. Tình cảm đẹp nhất, thân thiết nhất, quý báu nhất, trân trọng nhất của những người cùng sống chết trên chiến trường mà không một nơi nào có được, mãi mãi muôn đời không thể nào quên.

Đến Phan Thiết, chúng tôi mời anh đến nhà ăn bữa cơm thân mật với gia đình và đi tham quan danh lam thắng cảnh thành phố Du lịch biển: Khu di tích Dục Thanh, nơi Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước; ra cảng cá Phan Thiết rồi trở về Vãn Thuỷ Tú nơi có Bộ xương cá Ngư ông lớn nhất Đông Nam Á; đến Lầu ông Hoàng nơi có chuyện tình giữa nhà thơ Hàn Mạc Tử và người đẹp Mộng Cầm; ra bãi cát Đồi Hồng; Bãi tắm hòn Rơm; Bãi sau mũi né…rồi vào tham quan một Resort 5 sao nổi tiếng Anantara hiện đại nhất của vùng du lịch Hàm Tiến Mũi né (du khách ngủ một đêm trên 20 triệu đồng tiền Việt Nam)…Mỗi  nơi là một cảnh đẹp riêng nhưng thật là mới mẻ, cảnh đep tuyệt vời dường như đã cuốn hút làm anh chị (vợ) anh Hiệu quên hết mệt mỏi qua một ngày du lịch.

Đến bình Thuận theo anh Hiệu, có lẽ đây là lần anh được tường tận chiêm ngưỡng và tận hưởng được mọi vẻ đẹp của quê hương Bình Thuận. Anh mãn nguyện là vì đã gặp được đồng đội cùng chiến đấu nơi chiến trường Quảng trị năm xưa, nay là những thương binh nhưng vẫn còn khỏe, gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Mặt khác anh cũng tự hào vì thấy được sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Bình Thuận nhất là du lịch biển.

Thời gian anh em chúng tôi gặp nhau không nhiều, ngày hôm sau 22/5/2012, chúng tôi tạm biệt Anh trong niềm vui lưu luyến. Khi chia tay, anh ân cần nói với chúng tôi: Phải giữ gìn sức khỏe, phải sống từ bi, thánh thiện phải biết tha thứ lỗi lầm cho người khác. Hãy tự hào mình là người chiến sĩ quân giải phóng Miền Nam tham gia nhiều trận đánh còn sống sót trở về; Trong thời bình chúng ta phải có trách nhiệm vừa sống cho mình vừa sống cho những đồng đội đã mất, kể cả những anh em có mộ và những anh em còn nằm đâu đó ở góc suối bìa rừng chưa tìm được xác…..

Trước khi chia tay tôi nói vừa đùa vừa thật với Anh Hiệu, nhiệm vụ làm hướng dẫn viên du lịch của bọn em chưa hoàn thành. Anh ngạc nhiên bảo sao lại thế! Tôi bảo vì một nửa Phan Thiết ở phía nam thuộc khu du lịch Tiến Thành, Thuận Quý Anh chưa đi? Anh lại nói ồ thế à! Chúng tôi hẹn Anh lần sau về lại Phan Thiết trong cuộc hội ngộ cựu chiến binh trung đoàn 27 khu vực miền đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh do CCB Trung đoàn 27 Bình Thuận đăng cai tổ chức. Chúng tôi sẽ đưa Anh đi hết nửa phần còn lại! Anh cười! Xe lăn bánh Chúng tôi vẩy tay tạm biệt Anh Chị trong sự chứng kiến cùng tiễn của cán bộ công nhân viên khách sạn du lịch Novotel Bình thuận./.

Khu di tích Dục Thanh Phan Thiết

MỘT SỐ HÌNH ẢNH

Quầy rượu tiếp khách Phan Thiết, của Thượng tướng viện sỹ - tại Hà Nội

 

Bức ảnh rừng nước Nga tại văn phòng viện sỹ - Hà Nội

 

Bàn lục giác tiếp khách của Thượng tướng - tại Hà Nội

 

Phòng đọc sách nhà anh Hiệu ở 90 Hoa bằng Cầu Giấy Hà Nội

 

Tại vườn cây tâm linh nhà Anh Hiệu ở Hà Nội

 

Tại vườn cảnh nhà Anh Hiệu ở 90 Hoa bằng Cầu Giấy Hà Nội

 

Uống cà phê cùng anh Cử tại Hồ Tây – Hà Nội tháng 11/2012

Cùng anh Cảnh Tám

Đang ăn cơm tối tại nhà Hồ Nam 53 Nguyễn Tương Phan Thiết

 

Bãi cát Mũi Né

 

Giếng nước khu di tích Dục Thanh Phan Thiết

 

Hòn Rơm nhìn về bãi sau Mũi Né

 

Hòn Rơm Mũi Né

 

Resort 5 sao Anantara Hàm Tiến Mũi Né

 

              

Hồ Sỹ Nam - Đại đội 17 (hỏa lực), Đại đội Anh hùng

 Trực thuộc trung đoàn 27 Anh hùng- tại  Quảng Trị năm 1972

        

 

Các tin khác