Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội: Trận thắng đường 9 và bài hát xẩm trên chuyến tàu Thống Nhất

 

Đang gà gật theo nhịp máy tàu Thống Nhất qua Quảng Bình, bất chợt tôi giật mình dụi mắt khi nghe tiếng trống phách giòn tom giữ nhịp cho tiếng líu cò cưa theo lời cha con ông xẩm mù:

... À... ơi

Đêm nay mồng Một tháng Mười…

Con vào trận đánh để trả ơn Người

bấy lâu

Lấy máu đỏ viết Quyết tâm thư

Đánh trận đầu phải tiêu diệt gọn

Trăm chiến binh, là trăm mũi nhọn

Quyết thọc sâu vào sào huyệt

quân thù…

Nghe mồn một từng lời ông xẩm, vậy mà tôi vẫn cứ phải dụi mắt đến mấy lần bởi tiếng ca của ông xẩm lúc dặt dìu diệu vợi, lúc dồn nhịp buông câu, nhả từ kia, đích thị là “ca từ” của  một tiết mục văn nghệ của Trung đoàn 27 Xô-viết Nghệ Tĩnh - thuộc Mặt trận B5 (nay là Trung đoàn 27 Triệu Hải, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) sáng tác vào đầu tháng 10-1969 và giành giải nhất về dân ca của Hội diễn văn nghệ quần chúng Mặt trận B5 tháng 12-1969. Đó là bài dân ca “Chiến công đền đáp ơn Người” do đồng chí Ngô Minh Hớn, cán bộ Tuyên huấn trung đoàn “cảm tác” theo thể dân ca Nghệ Tĩnh, ca ngợi chiến công của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 trong một trận chiến đấu với tinh thần “Lập công đền ơn Bác” vào đêm 1-10-1969, đã thắng giòn giã, với thành tích diệt gọn 1 đại đội bộ binh cơ giới Mỹ gồm 11 chiếc xe tăng, gần 100 tên địch tại Khe Nước, đông nam căn cứ Cồn Tiên (Quảng Trị).

Tác giả Ngô Minh Hớn (thứ 2 từ trái sang) gặp các chiến sĩ trong đội tuyên văn của đơn vị từng hát bài dân ca do ông sáng tác.

 

Mở đầu bài dân ca, là lời cảm xót khi nghe tin Bác mất (theo điệu ví đò đưa): Tin Bác mất khiến tim con như dừng đập/ Lòng đau hơn muối xát kim châm… như nét khắc ghi tâm trạng của những người lính trên mặt trận nghe tin Bác Hồ qua đời. Để rồi ngay sau khi cùng cả nước tổ chức chịu tang Bác Hồ, trong sự xót đau, thương nhớ Bác, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 27 đã cùng với các đơn vị trong Mặt trận B5 hoạt động trên chiến trường đường 9 (Quảng Trị) bước vào chiến dịch thi đua “Lập công đền ơn Bác”, do Mặt trận B5 phát động. Trong đó, Trung đoàn 27 được giao đánh trận mở màn vào đêm 1-10-1969. Sau phút đau thương lặng buồn là con lại ra đi/ Đợi giờ xuất kích để trút căm hờn lên đường lê, nguyện quyết tâm thực hiện câu thề… (theo điệu làn dọc). Nhận nhiệm vụ đột phá, cả đại đội ai nấy đều chích máu ký vào Quyết tâm thư xung phong vào trận như lời vỉa trong trổ 1 điệu giận thương xứ Nghệ:

Đêm nay mồng Một tháng Mười…

Con vào trận đánh để trả ơn Người

bấy lâu

Lấy máu đỏ viết Quyết tâm thư

Đánh trận đầu phải tiêu diệt gọn

Trăm chiến binh, là trăm mũi nhọn

Quyết thọc sâu vào sào huyệt

quân thù…

Cứ vậy, từ trận thắng này, tác giả Ngô Minh Hớn qua hình ảnh dũng mạnh của chiến sĩ với đôi dép cao su đạp băng băng trên sỏi đá, gai góc trận mạc để có những trổ: Đường ra trận  con đi dép cao su/ Dép Bác Hồ ngày xưa để lại/ Nâng bàn chân chúng con vững chãi/ để đêm nay khi giáp mặt quân thù… Hoặc những chi tiết rất nhỏ để “nói hết” ý chí, quyết tâm đã đánh là phải thắng của các chiến sĩ: Bánh lương khô xin để dành một nửa / Để chờ khi thắng trận trở về… Và lớn hơn là ý chí quyết tâm đi đến đích cuối cùng chiến thắng, thể hiện khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Bác Hồ: Người đi, Người đã dặn dò/ Việt Nam phải độc lập, tự do, hòa bình… để rồi… Trong sâu thẳm những trái tim mênh mông /Nửa phương trời miền Nam trăn trở… người lính trung đoàn hứa với Bác: Mười lăm năm hay kéo dài hơn nữa / Người giao cho ta phải thắng lợi hoàn toàn…

Vâng, từ đôi dép cao su, lời thề và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Bác Hồ làm điểm tựa, 6 năm sau trận “Lập công đền ơn Bác”, ngày 30-4-1975, những người lính trung đoàn đã cùng có mặt trong đội hình quân và dân cả nước chạm bước trên vạch đích của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một kết cục đã được minh định từ khởi cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, không một ai, kể cả tác giả có thể hình dung rằng, bài dân ca nóng hổi “chất liệu” trận mạc đó không chỉ được lan tỏa theo bước chân người lính, mà hơn thế còn như một tác phẩm văn hóa có giá trị truyền thống, được “truyền khẩu” cùng với những bài “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan), 15 ngày phép (khuyết danh)… qua tài năng của những người nghệ sĩ hát xẩm trên các chuyến tàu Thống Nhất - Bắc Nam vào những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ 20.

Hai trong số những trang bản thảo chép tay bài dân ca “Chiến công đền đáp ơn Người”.

 

Phải nói, vào thời điểm đó, những bài dân ca, ca khúc được trình bày theo các làn điệu xẩm - một loại hình nghệ thuật truyền khẩu được coi như một  “món” ưa thích của nhiều khách lữ hành. Nhiều người lính sau khi nghe đều thuộc nhập tâm cả giai điệu, ca từ của các bài “xẩm ca” kể trên. Tuy nhiên do lúc đó, “Xẩm ca” vẫn đang bó khuôn trong định kiến thiếu công bằng, nên ngoài các hành khách trong toa kẻ 5 xu, người một hào thù lao cho nghệ sĩ xẩm, tôi với cảm xúc tự hào, và kiêu hãnh của một người lính cùng “quê” với bài dân ca đã “tặng” nguyên cả 10 đồng-một phần của tháng lương trung úy vào cái mũ cói của người nghệ sĩ hát xẩm gọi là chút thù lao “lấy quá khứ nuôi tương lai” cho người nghệ sĩ đang thực hiện công việc “truyền khẩu” bài dân ca một thời hào hùng vào tương lai.  

Nguyên bản bài dân ca:

CHIẾN CÔNG ĐỀN ĐÁP ƠN NGƯỜI

Ví đò đưa

Tin Bác mất khiến tim con ngừng đập

Lòng đau hơn muối xát kim châm

Bốn bên trời đất tối sầm

Bao lần lệ chảy, toan cầm lại rơi!

Làn dọc:

(1) Nhức nhối hơn nỗi đau này... hỏi còn nỗi đau chi

Cắn môi nghe lời “Di chúc”, bỗng thấy ngày sáng hơn

Gạn cho con những gợn vẩn trong tâm hồn

(2) Sau phút đau thương lặng buồn… là con lại ra đi

Đợi giờ xuất kích trút lên đầu đường lê

Nguyện quyết tâm thực hiện lời thề… mang nặng chiến công trở về

Trổ 1- điệu giận thương:

À... ơi… Đêm nay mồng Một tháng Mười…

Con vào trận đánh để trả ơn Người bấy lâu

Vỉa 1: Lấy máu đỏ viết Quyết tâm thư

Đánh trận đầu phải tiêu diệt gọn

Trăm chiến binh, là trăm mũi nhọn

Quyết thọc sâu vào sào huyệt quân thù

Vỉa 2: Đường ra trận con đi dép cao su

Dép Bác Hồ ngày xưa để lại

Nâng bàn chân chúng con càng vững chãi

Để đêm nay khi giáp mặt quân thù

Vỉa 3:Từ điểm tựa dép cao su…

(2 lần)

Một niềm tin sáng bừng ngọn lửa

Miếng lương khô xin để dành một nửa

Để chờ khi thắng trận trở về...

Vỉa 4:Đây ngày hội lập chiến công… (2 lần) 

Trăm tấm lòng xốn xang hồ hởi

Trận mở màn quyết phải dành thắng lợi

Kết vòng hoa chói đỏ dâng Người

Trổ 2:

À... ơi… Bấy lâu nung nấu đợi chờ

Đây giờ trả nghĩa, đây giờ đền ơn

Vỉa 1:Nghe súng lệnh chúng con xông lên

Đất trở mình dưới bàn chân dũng sĩ

Đêm hôm nay núi rừng Quảng Trị

Tiếng xung phong từng nhịp vang rền

Vỉa 2:Tiếng căm giận, tiếng đau thương… (2 lần)

Đang biến thành ngàn muôn chớp lửa

Mười một tăng quân thù gục đổ

Sáu chục tên giặc Mỹ xác vùi

Trổ 3

À... ơi… Người đi, Người đã dặn dò

Việt Nam phải độc lập, tự do hòa bình

Vỉa 1:Trong sâu thẳm, trái tim mênh mông

Nửa phương trời miền Nam trăn trở

Mười lăm năm, hay kéo dài hơn nữa…

Người giao cho ta phải thắng lợi hoàn toàn

Vỉa 2: Thề tạc dạ, nguyện ghi xương…(2 lần)

Đánh trận nào cũng quyết tiêu diệt gọn

Như đêm nay để trả ơn trời biển

Thỏa ước mơ, hoài bão của Người

Vỉa 3-kết: Thề tạc dạ, nguyện ghi xương… (2 lần)

Đánh trận nào cũng quyết tiêu diệt gọn

Trăm chiến binh thành muôn ngàn mũi nhọn

Quyết xông lên… theo tiếng gọi Bác Hồ

Bắc Quảng Trị 10-10-1969

NGÔ MINH HỚN             

                                                                                  

 

Bài và ảnh: Lê Bá Dương

 

 

Các tin khác